Theo tờ Foreign Policy, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể tàn phá kinh tế của Nga và EU, đến mức cuối cùng cuộc khủng hoảng này có thể làm suy yếu cả hai trên trường thế giới. Điều này có nghĩa là chúng ta đang nhanh chóng chuyển sang một thế giới lưỡng cực do hai siêu cường thống trị: Trung Quốc và Mỹ.
Có thể coi giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 2/2022 (thời điểm bùng phát xung đột Nga – Ukraine) là thời kỳ nửa đa cực. Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng, nhưng quy mô kinh tế của EU khiến khu vực này có thể là một trong những cực quyền lực trên thế giới. Quá trình hồi sinh kinh tế kể từ khoảng năm 2003 và sức mạnh quân sự của Nga cũng đưa nước này lên bản đồ cường quốc. Các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ đến Đức và Nga đều ca ngợi "đa cực là cấu trúc mới của các vấn đề toàn cầu".
Xung đột năng lượng đang diễn ra giữa Nga và phương Tây có nghĩa là thời kỳ đa cực đã kết thúc. Mặc dù kho vũ khí hạt nhân của Nga sẽ không biến mất, nhưng Nga sẽ trở thành đối tác cấp dưới trong phạm vi ảnh hưởng do Trung Quốc dẫn đầu. Trong khi đó, tác động tương đối nhỏ của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với nền kinh tế Mỹ khiến nước này vẫn duy trì được sức mạnh về mặt địa chính trị.
Năng lượng giá rẻ là nền tảng của nền kinh tế hiện đại. Mặc dù trong thời gian bình thường, ngành năng lượng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng GDP của hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, nhưng năng lượng có tác động lớn đến lạm phát và chi phí đầu vào của tất cả các ngành.
Giá điện và khí đốt tự nhiên của châu Âu hiện cao gần bằng 10 lần mức trung bình trong thập kỷ tính đến năm 2020.
Chi phí năng lượng của châu Âu chiếm khoảng 2% GDP trong thời gian bình thường, nhưng chi phí này đã tăng lên ước tính 12% do giá tăng. Chi phí cao ở mức độ này có nghĩa là nhiều ngành công nghiệp trên khắp châu Âu đang thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa hoàn toàn. Các nhà sản xuất nhôm, nhà sản xuất phân bón, nhà máy luyện kim loại và nhà sản xuất thủy tinh đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt tự nhiên cao. Do đó, châu Âu có thể xảy ra suy thoái sâu trong những năm tới.
Tuy nhiên, châu Âu sẽ không nghèo đi. Người dân châu Âu cũng không lạnh cóng trong mùa đông này. Các chỉ số ban đầu cho thấy châu lục này đang thực hiện tốt cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên và tích đầy các kho chứa khí đốt cho mùa đông.
Thay vào đó, rủi ro thực sự mà châu Âu phải đối mặt là mất khả năng cạnh tranh kinh tế do kinh tế tăng trưởng chậm. Khí đốt giá rẻ mà châu Âu mua của Nga sẽ không còn. Ngành công nghiệp sẽ dần dần điều chỉnh, nhưng quá trình chuyển đổi đó sẽ mất thời gian và có thể dẫn đến thay đổi kinh tế tốn kém.
Khách hàng mua đồ trong siêu thị ở Rennes, miền Tây Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Tin xấu đối này với châu Âu làm phức tạp thêm một xu hướng đã có từ trước: Kể từ năm 2008, thị phần của EU trong nền kinh tế toàn cầu đã giảm. Mặc dù Mỹ phục hồi sau cuộc Đại suy thoái tương đối nhanh chóng, nhưng các nền kinh tế châu Âu đã rất chật vật. Một số nước mất nhiều năm để tăng trưởng trở lại mức trước khủng hoảng. Trong khi đó, các nền kinh tế ở châu Á đang tiếp tục phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, dẫn đầu là nền kinh tế Trung Quốc.
Từ năm 2009 đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của EU chỉ đạt trung bình 0,48%. Tốc độ tăng trưởng của Mỹ so với cùng kỳ cao hơn gần ba lần, trung bình là 1,38% mỗi năm. Còn Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chóng mặt 7,36% hàng năm. Kết quả là mặc dù tỷ trọng của EU trong GDP toàn cầu lớn hơn tỷ trọng của cả Mỹ và Trung Quốc vào năm 2009, nhưng tỷ trọng này hiện ở mức thấp nhất trong ba nước.
Gần đây nhất vào năm 2005, EU đã chiếm tới 20% GDP toàn cầu. EU sẽ chỉ chiếm một nửa tỷ lệ đó vào đầu những năm 2030 nếu nền kinh tế EU thu hẹp 3% vào năm 2023 và 2024 và sau đó tiếp tục tốc độ tăng trưởng èo uột trước đại dịch là 0,5% mỗi năm, trong khi phần còn lại của thế giới tăng trưởng ở mức 3%. Nếu mùa đông năm 2023 lạnh và cuộc suy thoái sắp tới trở nên nghiêm trọng, tỷ trọng GDP toàn cầu của châu Âu có thể giảm nhanh hơn nữa.
Tệ hơn nữa, châu Âu còn thua xa các cường quốc khác về sức mạnh quân sự. Các nước châu Âu đã cắt giảm chi tiêu quân sự trong nhiều thập kỷ và không thể dễ dàng bù đắp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 16/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tình hình của Nga dường như nghiêm trọng hơn so với EU. Nga vẫn đang có nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu dầu và khí đốt, chủ yếu là sang châu Á. Tuy nhiên, về lâu dài, lĩnh vực dầu khí của Nga có thể sẽ đi xuống, ngay cả sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc. Phần còn lại của nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn và chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giờ đây, chiến lược khả thi duy nhất của Nga là bán năng lượng cho các khách hàng châu Á. Tuy nhiên, gần như toàn bộ mạng lưới đường ống và cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này hiện được xây dựng chỉ để xuất khẩu sang châu Âu và không thể dễ dàng xoay về phía đông. Sẽ mất nhiều năm và hàng tỷ USD để Nga chuyển hướng hoạt động xuất khẩu năng lượng và có thể thấy rằng Nga chỉ có thể dựa vào Trung Quốc.
Do đó, khi Nga và EU yếu đi sau khủng hoảng năng lượng, thế giới sẽ chỉ còn Trung Quốc và Mỹ - hai cường quốc thiết lập trật tự lưỡng cực.
Xem thêm: nhc.74842629003902202-cuc-ad-ioig-eht-yuh-ahp-gnad-gnoul-gnan-gnaoh-gnuhk/nv.fefac