Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của NHNN như: Vụ Truyền thông, Văn phòng, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Vụ Thanh toán, Vụ Quản lý ngoại hối, Cục Công nghệ Thông Tin, Cục Phát hành & Kho quỹ, Vụ Dự báo & Thống kê; đại diện lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Hà Nội, chi nhánh TP HCM; lãnh đạo các báo, tạp chí trong Ngành; đại diện lãnh đạo và bộ phận truyền thông của Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia VN, Bảo hiểm Tiền gửi VN, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính…
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, cuộc họp giao ban hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng được tổ chức để đánh giá kết quả hoạt động truyền thông thời gian qua, xác định nội dung, định hướng truyền thông thời gian tới, nhằm mục tiêu thực hiện trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin tới công chúng một cách minh bạch, khách quan, đặc biệt là truyền thông về những chính sách mới có tác động đến người dân, doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN đã báo cáo về hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng thời gian qua và định hướng hoạt động truyền thông Ngành những tháng cuối năm 2022. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có trong tiền lệ, hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng thời gian qua đã bám sát các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo trọng tâm của NHNN liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Nguyên tắc trong hoạt động truyền thông là cung cấp thông tin cho công chúng một cách kịp thời, khách quan, minh bạch, đa chiều, dễ nhớ, dễ hiểu, đặc biệt là các chính sách mới như gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, các công nghệ thanh toán mới... Đồng thời, hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng cũng thường xuyên phải lắng nghe dư luận, trân trọng các thông tin đa chiều để kịp thời giải quyết các vấn đề dư luận quan tâm như vấn đề hạn mức tín dụng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu…
Theo đó, NHNN đã truyền thông một cách kịp thời về các chính sách liên quan đến điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá… để dư luận hiểu và chia sẻ với áp lực của việc điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong bối cảnh thế giới phức tạp, khó lường hiện nay. Mặc dù có nhiều khó khăn từ bối cảnh quốc tế, ngành Ngân hàng thời gian qua đã điều hành chính sách tiền tệ đúng, trúng, phù hợp, góp phần vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống. NHNN đã nắm bắt thông tin từ dư luận, các tổ chức quốc tế và công chúng cho thấy sự tin tưởng và đánh giá cao việc điều hành của NHNN trong bối cảnh hiện nay. Dù còn nhiều thách thức trong thời gian tới, người dân đặt niềm tin lớn vào sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự chủ động, linh hoạt, thận trọng, khéo léo của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông phát biểu tại cuộc họp
Thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều chương trình giáo dục tài chính có ý nghĩa và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, tiêu biểu như “Tiền khéo Tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”. Theo kết quả khảo sát và đánh giá của Đài Truyền hình Việt Nam, “Tiền khéo Tiền khôn” là chương trình truyền hình có lượng người xem lớn nhất trên kênh VTV3 trong Quý I/2022 và đứng thứ 2 trong Quý II/2022. “Tay hòm chìa khóa” là chương trình được công chúng đánh giá cao về nội dung, ý nghĩa và có sức lan tỏa lớn.
Đánh giá về hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng thời gian qua, bà Sen cho rằng, về cơ bản, toàn hệ thống đã tạo được sự thống nhất, đoàn kết và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho công chúng một cách nhanh chóng, minh bạch, khách quan. Người dân, doanh nghiệp luôn được coi là trung tâm trong việc cung cấp thông tin của ngành Ngân hàng.
Đồng thời, ngành Ngân hàng đã luôn lắng nghe các thông tin đa chiều từ dư luận và giải quyết kịp thời các vấn đề dư luận, cử tri quan tâm. Điều này được thể hiện từ sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNN, các đơn vị Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN, các đơn vị báo chí trong Ngành, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là sự vào cuộc rất tích cực của Giám đốc Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố để kịp thời giải quyết các vấn đề dư luận quan tâm.
Về định hướng truyền thông những tháng cuối năm, Vụ trưởng Vụ Truyền thông nhấn mạnh, các hoạt động truyền thông cần tiếp tục bám sát mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng, tăng cường sự phối hợp đồng bộ trong toàn hệ thống nhằm lắng nghe thông tin đa chiều, cung cấp thông tin minh bạch, khách quan nhằm tạo niềm tin và ổn định tâm lý của công chúng, đảm bảo sự ổn định, an toàn của hệ thống trong bối cảnh khó khăn và áp lực của tình hình kinh tế thế giới.
Tại cuộc họp, đại diện một số tổ chức tín dụng đều ghi nhận và đánh giá cao việc định hướng truyền thông kịp thời của NHNN về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và trách nhiệm cung cấp thông tin tới công chúng.
Ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cho rằng, thời gian qua, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN rất mạnh mẽ và chính xác, rõ ràng, đặc biệt là các hoạt động truyền thông đã giải quyết được các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm liên quan đến ngành Ngân hàng.
Ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam phát biểu
Ông Hà Văn Trung - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương đánh giá cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua cũng như những định hướng trong hoạt động truyền thông. Trong bối cảnh thông tin đa chiều như hiện nay, nhờ có quan điểm và nguyên tắc truyền thông kịp thời, trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho công chúng, các thông tin ngành Ngân hàng đưa ra đa chiều, đúng đắn, kịp thời và nhận được những phản hồi rất tích cực, được khách hàng ủng hộ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định hoạt động truyền thông là một trong các công cụ quan trọng để hỗ trợ việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đang đứng trước nhiều nhiệm vụ, áp lực, rất cần được sự đồng tình, hiểu biết và chia sẻ của công chúng, trách nhiệm của công tác truyền thông và sự phối hợp trong hoạt động truyền thông là rất lớn.
Phó Thống đốc đánh giá, thời gian qua, công tác tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông đã rất tích cực, chủ động, có sự phối hợp kịp thời với các Vụ, Cục chức năng của NHNN, các đơn vị báo chí trong ngành và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu hiện tại và trong thời gian tới, toàn Ngành cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa. Phó Thống đốc chỉ đạo thời gian tới, toàn Ngành cần tập trung truyền thông để công chúng nắm bắt thông tin, hiểu và chia sẻ về các vấn đề: (i) điều hành chính sách tiền tệ hiện nay của NHNN (điều hành lãi suất, tỷ giá, hạn mức tín dụng…); (ii) các lĩnh vực đầu tư vốn cho nền kinh tế cho các doanh nghiệp ưu tiên, đặc biệt triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31; (iii) các vấn đề về an toàn, lành mạnh của các TCTD, vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, chuyển đổi số ngành ngân hàng, vấn đề trích lập dự phòng, vấn đề hoãn, giãn nợ theo Thông tư 01, hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm lãi, vấn đề lợi nhuận ngân hàng…
Phó Thống đốc cũng yêu cầu thời gian tới, các Vụ Cục chức năng NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các TCTD tiếp tục thực hiện trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho công chúng liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng và phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thời gian tới, NHNN sẽ tổ chức Hội nghị truyền thông chính sách để toàn hệ thống nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin tới công chúng, đặc biệt là trong việc truyền thông các chính sách mới.
Kim Yến
Xem thêm: 222325VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www