Sáng 31-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 17/2013 về một số biện pháp cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn.
Nhiều vướng mắc
Trình bày dự thảo tờ trình nghị quyết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Mạc Bình Minh cho hay hiện toàn địa bàn TP có 1.216 biệt thự cũ (trong đó có 509 nhà cổ và 1.167 công trình kiến trúc), tập trung chủ yếu tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ.
Phần lớn biệt thự cũ này có tình trạng sở hữu đan xen giữa Nhà nước và tư nhân. Điều này đặt ra yêu cầu phải xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách giải quyết hài hòa, thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của các chủ thể có liên quan. Bên cạnh đó, một số công trình biệt thự đã bị biến dạng về hình thức kiến trúc, kết cấu do tình trạng tự ý cải tạo, xây dựng cấy ghép…
Quận Hoàn Kiếm tôn tạo biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài). Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Một số quy định của TP đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hoặc qua quá trình triển khai bộc lộ một số hạn chế, bất cập mà chưa được kịp thời tổng kết, đánh giá, chưa có biện pháp xử lý phù hợp.
Làm rõ hơn lý do đề xuất sửa đổi nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay theo Điều 10 Nghị quyết 17/2013 của HĐND TP Hà Nội thì UBND TP Hà Nội được giao phải lập hai loại danh mục đối với các nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954.
Đến nay, TP Hà Nội đã lập được danh mục biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 theo các nhóm 1, 2, 3 nhưng chưa lập được danh mục đối với biệt thự cũ phải cải tạo, phục hồi hoặc phải phá dỡ do xuống cấp, hư hỏng.
Theo ông Tuấn, nếu áp dụng khoản 2 Điều 10 thì UBND TP phải lập danh mục này mới được cải tạo, phá dỡ. Thế nhưng, để lập danh mục này thì phải có kết quả kiểm định chất lượng công trình. Trong khi đó, với tình trạng sở hữu đan xen như hiện nay, rất khó yêu cầu chủ sở hữu tư nhân bỏ kinh phí để kiểm định.
“Vì vậy, việc cải tạo các biệt thự cũ xuống cấp nghiêm trọng trên thực tế là không thực hiện được” - ông Tuấn nói.
Từ các bất cập trên, ông Tuấn cho hay UBND TP Hà Nội đã đề nghị sửa quy định trên theo hướng trao sự chủ động hơn cho UBND TP Hà Nội trong cải tạo các biệt thự cũ xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm…
Phá thì dễ, bảo tồn mới khó
Góp ý tại hội nghị, ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng thành viên dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cho hay ông vừa được tham gia đoàn kiểm tra một số nhà cổ, biệt thự tại địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Qua kiểm tra cho thấy nhiều biệt thự, nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy hiểm. Phần lớn biệt thự đơn lẻ tại địa bàn Hà Nội hiện nay không có hồ sơ. Nhiều công trình không còn nguyên bản kiến trúc ban đầu, rất khó khăn khi tôn tạo, bảo tồn.
“Đây là những kiến trúc biểu tượng, vừa là sự lắng đọng, vừa đánh dấu sự thăng trầm của Hà Nội qua lịch sử. Trong tương lai, chúng ta có thể có hàng ngàn khu chung cư tráng lệ nhưng không thể có một ngôi nhà cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc như vậy nữa” - ông Vĩnh nói.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phát biểu tại hội nghị ngày 31-8. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Theo đó, ông Vĩnh cho rằng việc sửa đổi khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 17/2013 là cần thiết, giúp TP Hà Nội có sự chủ động trong bảo tồn, tôn tạo các biệt thự cũ. Đồng thời, ông Vĩnh cũng đề nghị TP nên có chính sách để chủ sở hữu biệt thự cổ chủ động sửa chữa, cải tạo tòa nhà thay vì trông chờ vào kinh phí của Nhà nước; phân cấp, phân quyền mạnh hơn, bố trí thêm kinh phí cho cấp quận tôn tạo các biệt thự cũ.
Góp ý thêm, TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội, nhận định hiện nay có rất nhiều nghiên cứu về biệt thự cũ, nhà cổ trên địa bàn nhưng thực tế đến nay vẫn chưa có một bộ tiêu chí để phân loại một cách khoa học đâu là biệt thự cổ có giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử.
“Từ năm 1995 đến nay, Hà Nội đã làm việc, tham khảo tư vấn về lập danh mục biệt thự cổ trên địa bàn từ chuyên gia của 11 quốc gia. Mỗi quốc gia đều đưa ra tiêu chí khác nhau. Điều cần thiết bây giờ là chúng ta phải thẩm định lại danh mục biệt thự cũ, cái nào có giá trị đặc biệt thì phải bảo tồn, tôn tạo ngay” - ông Nghiêm nói.
Theo đó, ông Nghiêm đề nghị Hà Nội cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, tổ chức, các cơ quan quản lý về tiêu chí lập danh mục các biệt thự cổ, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn TP. Đồng thời nên đưa các công trình có giá trị kiến trúc đặc biệt xây dựng trước năm 1986 vào diện bảo vệ.
Trao sự chủ động hơn cho UBND TP Hà Nội
Theo Điều 10 Nghị quyết 17/2013, UBND TP Hà Nội được giao tổ chức lập danh mục, phân loại các nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn theo các nhóm 1, 2, 3.
Trong đó, nhóm 1 là những công trình gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, các sự kiện chính trị được xếp hạng theo quy định của pháp luật và có giá trị đặc biệt về kiến trúc; nhóm 2 là công trình có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm 1; nhóm 3 là công trình không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.
Trên cơ sở phân nhóm, UBND TP trình HĐND TP quyết định danh mục công trình cải tạo, phục hồi, phá dỡ. Việc cải tạo, phục hồi phải đảm bảo các quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Theo đó, dự thảo nghị quyết mới sửa đổi, bổ sung quy định trên như sau: “Giao UBND TP quyết định các trường hợp là nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm cần cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND TP”.