Sáng 7-9, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Các nước đều nói theo thẩm quyền xét xử
Dự thảo luật đề xuất quy định đổi tên tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp huyện.
Giải trình sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, không có quốc gia nào gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh.
"Toàn thế giới này gọi là tòa án sơ thẩm, phúc thẩm, cấp cao, tối cao. Tất cả đều theo thẩm quyền xét xử.
Điều này được thể hiện trong nghị quyết 27", ông Bình nói.
Ông chỉ rõ hiện nay không có quốc gia nào giao cho tòa án thu thập chứng cứ. Bởi cần đảm bảo tòa án phải đứng thẳng, còn khi thu thập chứng cứ sẽ nghiêng về bên này hay bên kia.
"Việc không cho tòa án thu thập chứng cứ để đảm bảo khách quan. Thêm đó, nếu tòa án thu thập chứng cứ, sau đó xét xử trên chính chứng cứ của mình thảo luận có thể bỏ quên các chứng cứ khác. Như vậy không được", ông Bình nói thêm.
Nhiều ý kiến khác nhau về đổi tên tòa án
Trước đó, đa số ý kiến nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp không đồng ý đổi tên.
Theo ý kiến này, việc “đổi tên” các tòa án nhưng thẩm quyền xét xử của các tòa án không thay đổi; không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương và phát sinh chi phí. Đồng thời, độc lập giữa các cấp xét xử không hoàn toàn phụ thuộc vào tên gọi của tòa án.
Còn ý kiến khác trong nhóm nghiên cứu tán thành quy định đổi tên này. Bởi theo quan điểm này, “quy định như dự thảo không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tố tụng cùng cấp; không phát sinh thêm đầu mối, biên chế, không xáo trộn về tổ chức cán bộ”.
Trong văn bản góp ý, Văn phòng Chủ tịch nước cho hay chủ trương đổi tên còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau.
Như việc đổi tên tòa án, trong khi thẩm quyền về địa hạt tư pháp, thẩm quyền về giải quyết vụ án, vụ việc về cơ bản vẫn giữ nguyên (trừ việc điều chỉnh thẩm quyền cho tòa án sơ thẩm chuyên biệt) không giải quyết được triệt để việc đảm bảo tính độc lập của tòa án.
Việc đổi tên trong khi tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn còn thẩm quyền giải quyết, xét xử sơ thẩm là không phù hợp ngay trong tên gọi...
Trong dự thảo, đề xuất rút gọn xuống còn 2 ngạch thẩm phán (gồm thẩm phán và thẩm phán tòa án nhân dân tối cao) thay vì 4 ngạch như hiện hành (thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp và tòa án nhân dân tối cao).
Theo ông Bình, đề xuất này xuất phát từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia khi chỉ quy định 1 ngạch thẩm phán và các thẩm phán bình đẳng với nhau. Đây còn là ý nguyện của gần 6.000 thẩm phán công tác ở các tòa án cấp huyện.
“Có nhiều người ở cấp huyện từ khi vào ngành cho đến lúc ra khỏi ngành, suốt đời vẫn là thẩm phán sơ cấp.
Người dân bảo vụ án của tôi phải ông cao cấp xử mới tin, còn ông sơ cấp năng lực yếu nên không tin được. Cho nên cả về chính sách và niềm tin công lý, anh em đang rất chờ đợi câu chuyện này”, ông Bình chia sẻ.
Dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp huyện.