Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày mai có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mỹ hiện là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm ngoái kim ngạch thương mại Việt Nam - Mỹ đạt gần 124 tỷ USD, đưa nước này trở thành thị trường đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Số này gấp khoảng 3,5 lần cách đây 10 năm - thời điểm hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Tám tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại với Mỹ đạt gần 62,3 tỷ USD, giảm gần 18% do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo, năm 2023, hai nước có thể vượt mốc 100 tỷ USD về kim ngạch thương mại, bất chấp những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu trái cây tươi Việt vào Mỹ từ 15 năm trước, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết hiện thị trường Mỹ chiếm 60% thị phần của doanh nghiệp. "Mỹ là thị trường khó tính với nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe, nhưng vài năm trở lại đây nông sản Việt ngày càng được ưa chuộng, tăng trưởng đều mỗi năm. Tại Vina T&T, xuất khẩu nông sản sang Mỹ tăng 40% nửa đầu năm nay.
Ông Tùng cho biết, giữa tháng 8, Mỹ đã cấp phép trở lại cho trái dừa tươi của Việt Nam trở lại thị trường sau 1,5 năm tạm ngưng. Lượng container dừa sang Mỹ tăng ở mức hai con số trong nửa tháng qua. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Biden tới Việt Nam trong vài ngày tới, ông Tùng kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới cho xuất khẩu trái cây, và đến cuối năm Việt Nam sẽ có thêm loại quả thứ 9 vào thị trường này.
"Nếu chanh dây của Việt Nam được xuất chính ngạch vào Mỹ cuối năm nay, kim ngạch xuất nông sản sang thị trường này sẽ tăng vọt. Riêng với Vina T&T có thể tăng trưởng tới 60%", ông nói.
Với trên 300 triệu người tiêu dùng, Mỹ là thị trường giàu tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Dung lượng và cơ hội thị trường của "xứ cờ hoa" rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương).
Dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất, nông sản... vẫn là những mặt hàng chủ lực doanh nghiệp Việt xuất sang nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Năm ngoái dệt may Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang Mỹ, khoảng 17,8 tỷ USD. Nửa đầu năm nay xuất khẩu sang thị trường này giảm 27%, đạt 6 tỷ USD nhưng đang có dấu hiệu khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm.
Mỹ là thị trường lớn với dệt may Việt Nam, nhưng ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, nêu trở ngại khi xuất hàng sang Mỹ là thuế nhập khẩu ở mức cao.
Vì thế, Chủ tịch Hội Dệt may thuê đan TP HCM kỳ vọng, chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ mở ra nhiều chính sách ưu đãi hơn, như hạ thuế nhập khẩu, nới lỏng các quy định ràng buộc nguồn cung cứng nguyên phụ liệu. "Chúng tôi hy vọng quý IV xuất khẩu dệt may ấm lại và lượng đơn hàng sẽ tăng cao hơn so với 3 quý trước đó sau chuyến thăm này", Ông Hồng nói.
Tương tự với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho hay, nguyên liệu gỗ của Mỹ phù hợp cho sản phẩm thị trường nội địa, xuất khẩu nhưng giá cao hơn hàng cùng chủng loại của châu Âu. "Nếu phía Mỹ đưa giá sản phẩm này về mức hợp lý để doanh nghiệp có thể tiếp cận, giá cạnh tranh hơn thì hai bên sẽ cùng có lợi", ông bày tỏ.
Tuy vậy, Mỹ cũng là thị trường có sự cạnh tranh lớn, tiêu chí với hàng nhập khẩu cao. Thị trường này cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn mới cần doanh nghiệp đáp ứng, như sản xuất bền vững, tiêu dùng xanh... Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, điều doanh nghiệp Việt cần làm là tìm ra thị trường ngách ngay ở Mỹ, như nghiên cứu sản phẩm mới, nhóm khách hàng, kênh phân phối mới phù hợp xu hướng tiêu dùng, đáp ứng các nhu cầu của họ.
"Doanh nghiệp buộc thay đổi chiến lược, chuyển đổi xanh để đáp ứng và phù hợp với tiêu chí bền vững nếu muốn đi đường dài với các nhà nhập khẩu nước ngoài", ông Linh nói với VnExpress, và thêm rằng Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi, tìm kiếm và mở rộng thị trường ngách ngay trong lòng nước Mỹ, gỡ bỏ rào cản với hàng Việt xuất khẩu sang nước ngoài.
Trong khi đó, theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội, điều cốt yếu của nhiều nhà sản xuất Mỹ khi chọn Việt Nam là khả năng sẵn sàng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, phát triển giải pháp năng lượng xanh. Theo ông, để đạt được mục tiêu đạt phát thải carbon bằng 0 vào 2025, Việt Nam nên ưu tiên các nguồn năng lượng phải chăng, bền vững. Quá trình này yêu cầu hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ bên ngoài, và các dự án cần thực tế, có khả năng cấp vốn.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn như một điểm đến của các nhà đầu tư Mỹ. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nhà đầu tư Mỹ đã rót vốn tại 1.216 dự án ở Việt Nam, tổng vốn đầu tư 11,4 tỷ USD đến hết 2022. Nước này đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Gần đây, không ít tập đoàn lớn của "xứ cờ hoa" chọn Việt Nam là điểm dừng chân tiếp theo tại Đông Nam Á khi mở rộng đầu tư, sản xuất. Chẳng hạn, Apple đã chuyển 11 nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; Intel cũng đầu tư mở rộng giai đoạn 2 nhà máy sản xuất chip tại TP HCM, với tổng vốn 4 tỷ USD. Hay gần đây Boeing, Goolge, Walmart đều đều tư nghiên cứu môi trường kinh doanh tại Việt Nam để mở rộng mạng lưới nhà cung ứng.
Ông Adam Sitkoff cho hay, các công ty Mỹ đầu tư vào hạ tầng, sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp, công nghiệp chất lượng cao. Họ cũng đóng góp đáng kể vào chuyển đổi, tạo việc làm chất lượng, phát triển kinh tế của Việt Nam.
Nhưng Giám đốc điều hành Amcham tại Hà Nội lưu ý, pháp lý công bằng, coi trọng đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi. Điều này theo ông không chỉ nhằm thu hút đầu tư mới, mà còn duy trì, phát triển những khoản đầu tư hiện hữu. Thực tế, những nhà đầu tư cũ mở rộng kinh doanh là quảng cáo tốt nhất để thu hút các khoản vốn mới.
"Chuyến thăm của Tổng thống Biden, chúng tôi mong đợi có những thông báo, cập nhật tiến triển về một số thỏa thuận kinh doanh, các dự án đang chờ xử lý", ông chia sẻ.
Giám đốc điều hành Amcham tại Hà Nội khuyến nghị Việt Nam tiếp cận toàn diện trong phát triển khung pháp lý kỹ thuật số, cải tạo cơ sở hạ tầng, sở hữu trí tuệ. Bởi, tiến bộ trong những lĩnh vực này không chỉ giúp thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, còn giúp Việt Nam đạt được khát vọng để tiến thêm trong lĩnh vực cạnh tranh kinh tế tiếp theo.
Song Minh - Thi Hà