Ngày 13-9, tại phiên họp thứ 26, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023.
Đánh giá chung, cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh PCTN, tiêu cực được quyết liệt triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh...
Ngày 6-9, Uỷ ban Tư pháp họp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. |
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. “Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực”- Uỷ ban Tư pháp nhận định các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cạnh đó, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. “Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN”- cơ quan thẩm tra cho rằng điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh PCTN.
Uỷ ban Tư pháp nhận định tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.
“Một số cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng hoặc làm công việc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực”- báo cáo thẩm tra nêu.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm toán, Uỷ ban Tư pháp đánh giá năm 2023, công tác này “có nhiều chuyển biến tích cực”, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý nhà nước, quản lý KT-XH của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp cho rằng công tác thanh tra còn có hạn chế. Cụ thể, việc phát hiện, kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn trường hợp chưa kịp thời.
Đặc biệt, một số cuộc thanh tra còn có vi phạm về trình tự, thủ tục thực hiện, ban hành kết luận thanh tra... gây hậu quả nghiêm trọng. Báo cáo thẩm tra dẫn chứng vụ Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" do quá trình thanh tra đã báo cáo không chính xác dẫn đến việc giám sát, xử lý, kiểm soát ngân hàng SCB không kịp thời, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…
Về việc phát hiện, xử lý tham nhũng, cơ quan thẩm tra nhận định công tác này tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.
Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh; đồng thời với việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm.
Một số “điển hình” được đề cập tại báo cáo là các vụ án: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC); Nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á; các vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam...
Cũng theo Uỷ ban Tư pháp, nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý. Đặc biệt, nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác PCTN, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng. Điển hình, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng Công an đã nghỉ hưu, 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và 13 cán bộ thanh tra các địa phương…
Cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố 45 vụ/82 bị can về tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Một số vụ án điển hình như: vụ Hoàng Văn Hưng, điều tra viên thuộc C03- Bộ Công an bị điều tra, xử lý do liên quan đến vụ "chuyến bay giải cứu";
Vụ các cán bộ điều tra Công an thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), vụ Lê Đắc Thanh - Kiểm sát viên VKSND tỉnh Quảng Bình, vụ Võ Đình Sớm- Thẩm phán Tòa án tỉnh Gia Lai, vụ Nguyễn Ngọc Ánh- Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, vụ Nguyễn Thanh Trì- Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu, vụ 3 cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Nghệ An... bị khởi tố về tội Nhận hối lộ...