Dự án cầu Trắng trên tỉnh lộ 1, bắc qua sông Ea H'leo, nối xã Ea Rốk với các xã Ia J'lơi, Ya Lốp (H.Ea Súp, Đắk Lắk) được đầu tư khoảng 30 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, bắt đầu thi công từ năm 2020. Đến cuối năm 2022, nhà thầu xây xong cầu chính, thực hiện được 86% khối lượng của dự án.
Vướng đền bù giải phóng mặt bằng
Tuy nhiên, trong khi cây cầu mới xây xong "đắp chiếu" nhiều tháng thì hằng ngày hàng trăm phương tiện phải qua lại trên cầu cũ bên cạnh đã xuống cấp, lan can gãy, mặt cầu bong tróc, nhiều ổ gà, mất an toàn giao thông.
Theo UBND xã Ea Rốk, nguyên nhân chưa thể hoàn thiện phần còn lại để đưa cầu Trắng vào sử dụng chủ yếu do còn phần đất của 3 hộ ở đầu cầu chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB) để làm đường dẫn lên cầu.
Bà Nguyễn Thị Kỷ (57 tuổi, thôn 7, xã Ea Rốk), một trong 3 hộ nằm trong diện GPMB để làm dự án cầu Trắng, cho biết ngay từ khi có thông tin thi công làm cầu mới, gia đình bà đã chuẩn bị tâm thế để di dời, nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, đất của nhà bà không có sổ đỏ, các cấp chính quyền lui tới nhiều lần rồi lại về, chưa có thông báo rõ ràng về việc di dời, giải tỏa, thu hồi đất…
Theo bà Kỷ, đất của gia đình bà khai phá, ở ổn định từ khoảng 30 năm trước, do chưa được đền bù thỏa đáng nên gia đình bà vẫn ở lại giữ nhà, nhà thì ngày càng xuống cấp nhưng không thể sửa chữa. "Gia đình tôi muốn nhường đất cho dự án nhưng ngoài việc hỗ trợ tiền di dời nhà cửa, cũng phải đền bù đất nữa, trong khi chính quyền lại nói không đủ điều kiện để đền bù đất. Tôi cũng mong được giải quyết dứt điểm để yên tâm làm ăn, bà con cũng có cầu mới đi lại. Không quan trọng đền bù bao nhiêu nhưng chỉ mong chính quyền làm đúng theo quy định", bà Kỷ phân trần.
Một hộ dân khác gần nhà bà Kỷ cho biết gia đình chưa được đền bù vì chính quyền địa phương cho rằng đất mua bán bất hợp pháp. Chủ hộ này cho rằng mình mua đất tại đây từ hơn 10 năm trước, xây nhà, sinh sống ổn định, không thấy địa phương có ý kiến gì. "Chính quyền nói mua đất bất hợp pháp nhưng khi gia đình tôi xây dựng nhà thì không xử lý, giờ không đền bù thì thiệt thòi cho chúng tôi", chủ hộ này nói.
Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk, chính vì vướng công tác GPMB gồm đất và vật kiến trúc trên đất của 3 hộ dân ở đầu cầu nên dự án cầu Trắng phải tạm dừng gần một năm qua mặc dù các hạng mục cầu chính đã thi công xong.
Ông Nguyên cho rằng khu vực đất ở đầu cầu trước đây là đất nông lâm trường, các hộ đến ở, rồi sang nhượng trái phép cho nhau. Chính quyền xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các hộ dân, đo đạc kiểm đếm để thống nhất phương án hỗ trợ. "Sắp tới, xã tiếp tục làm việc với các hộ để giải quyết dứt điểm việc GPMB, nếu hộ nào vi phạm phải cưỡng chế để thi công dự án", ông Nguyên thông tin.
Có trách nhiệm của nhiều bên
Theo kế hoạch, cuối năm 2022, dự án cầu Trắng sẽ hoàn thành. Ông Đặng Thọ Dần, Phó trưởng phòng Điều hành dự án giao thông - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk (viết tắt Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk, đơn vị chủ đầu tư), cho biết dự án cầu Trắng có tổng mức đầu tư 30 tỉ đồng, do Công ty TNHH xây dựng nền móng An Bình thi công. Theo ông Dần, do vướng mặt bằng nên dự án thi công được khoảng 86% khối lượng thì tạm dừng.
Trong một báo cáo, Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk chỉ ra trách nhiệm của các đơn vị liên quan việc triển khai dự án cầu Trắng chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của nhân dân.
"Việc dự án cầu Trắng chậm tiến độ có trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư vì đôn đốc đơn vị tư vấn thiết kế, điều chỉnh dự án chưa thật nhanh gọn. Phía tư vấn thiết kế có trách nhiệm vì chưa lường hết những phát sinh trong việc khảo sát lập dự án đến khi triển khai thực hiện. Còn UBND H.Ea Súp có trách nhiệm vì thực hiện công tác tham mưu, quy hoạch sử dụng đất chậm dẫn đến không có cơ sở để triển khai công tác GPMB", trích báo cáo của Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk.
Mới đây, ông Võ Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã ký quyết định chấp nhận việc cho gia hạn thi công cầu Trắng tới ngày 31.12.2023. Trong quyết định, ông Cảnh yêu cầu chủ đầu tư là Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk phải tập trung phối hợp các đơn vị liên quan, hoàn thành công tác đền bù GPMB, khẩn trương thi công, đưa công trình vào hoạt động đúng thời gian được UBND tỉnh gia hạn.
Như Thanh Niên từng phản ánh, tại Đắk Lắk còn có 1 cầu xây dựng gần hoàn thiện nhưng bỏ dở, chưa đưa vào sử dụng nhiều năm qua vì vướng công tác GPMB là dự án cầu 110 trên QL14, nối hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Cầu được khởi công năm 2018, tổng mức đầu tư hơn 24 tỉ đồng. Năm 2020, Bộ GTVT có công văn cho biết nguồn vốn bố trí cho dự án cầu 110 đã kết thúc từ ngày 31.12.2018 và không được kéo dài sang năm 2019 nên đã bị thu hồi, nộp về ngân sách nhà nước. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tự cân đối nguồn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án