Nghèo đói, thất học, dịch bệnh, xung đột... Để giảm thiểu thực tế này, cách đây 8 năm, các thành viên Liên hợp quốc đã thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững. Cho đến nay, tiến độ thực thi đúng chỉ có 12% các mục tiêu. Trong bối cảnh chung, Việt Nam cần phải đẩy mạnh nguồn lực, nguồn vốn tài chính xanh hơn nữa.
Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các mục tiêu phát triển bền vững
Trong hai ngày 18 - 19/9, Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững SDG Summit 2023 đang diễn ra tại New York. Đây là sự kiện mang tính "giải cứu" trong bối cảnh quá trình thực thi các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu có nhiều chậm trễ.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh cho đến nay, mới chỉ có 15% các mục tiêu đang được thực hiện đúng lộ trình trong khi còn nhiều mục tiêu khác bị đảo ngược.
Chính vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh Các mục tiêu phát triển bền vững năm nay đã được xem là cơ hội để các nước đánh giá 1 cách toàn diện về tiến trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, tiến trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 đang bị đảo ngược do tác động của biến đổi khí hậu, xung đột, suy thoái kinh tế và ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19.
Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã cam kết hành động khẩn trương để hiện thực hóa tầm nhìn đã đề ra nhằm chấm dứt tình trạng nghèo đói, đấu tranh chống bất bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, bảo vệ Trái đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên... nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Tài chính là một trong những nội dung quan trọng trong các phần đối thoại của các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững năm nay. Tài chính xanh chính là tăng mức độ dòng chảy tài chính từ các khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận để thúc đẩy ưu tiên phát triển bền vững.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho rằng, nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thoái hóa đất, sẽ cần khoản tài chính 4,1 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Riêng với Việt Nam, chúng ta cần đầu tư 11% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Con số này thực sự là một thách thức bởi nó cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình chỉ khoảng 7-8% của giai đoạn vừa qua.
Gỡ vướng mắc để thúc đẩy tín dụng xanh
3 nguồn vốn chính về tài chính xanh phổ biến tại Việt Nam hiện nay là tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu, trong đó, tín dụng xanh, tức là khoản tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh với mục đích bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái đang là lĩnh vực đang có bước tiến nhiều nhất. Thế nhưng đến cuối tháng 6 vừa qua, chúng ta mới có khoảng 528 nghìn tỷ đồng tín dụng xanh, chỉ chiếm khoảng 4,2% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Tín dụng xanh đang cần có nhiều giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy nguồn vốn này.
Ngân hàng Agribank quyết định dành khoảng 50 nghìn tỷ đồng để cho vay lĩnh vực xanh, lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm. Khác với các khoản vay thông thường, tín dụng xanh đòi hỏi các dự án cũng phải đáp ứng các tiêu chí xanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Định chế tài chính Ngân hàng Agribank, cho biết: "Chúng tôi chuyển sang cho vay các dự án năng lượng tái tạo, phát triển bền vững, chuối cung ứng, năng lượng sạch, hoạt động tái chế, bảo vệ môi trường. Khi mà cho vay các khách hàng lớn, đều có tiêu chí chứng nhận bảo vệ môi trường theo quy định".
Cần tiêu chí xanh nhưng vướng mắc lớn nhất với các ngân hàng là chưa có một danh mục quốc gia về dự án xanh. Ngân hàng BIDV đã tự chủ động ban hành khung khoản vay bền vững, quy định về quản lý rủi ro môi trường cho các dự án nhưng cũng không tránh khỏi lúng túng trong quá trình cho vay.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban tài trợ dự án BIDV, cho biết: "Ví dụ như dự án điện rác thì chúng tôi hiểu là cũng giúp giảm thiểu rủi ro môi trường, nhưng theo tìm hiểu lại không nằm trong tín dụng xanh. Do đó, chúng tôi gặp khó khăn trong việc có thúc đẩy điện rác hay không. Ngoài ra, cũng có nhiều lĩnh vực là đánh giá dự án xanh hay không xanh".
Các chuyên gia khuyến nghị, các bộ ngành liên quan cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách tổng thể liên quan đến tài chính bền vững, qua đó, làm căn cứ để ngân hàng và cả doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn xanh.
"Nhiều ngân hàng đã xây dựng khung liên quan xanh và bền vững nhưng họ lúng túng trong việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn. Họ đang phải tự thực hiện theo các bài học kinh nghiệm họ có được từ các đối tác", bà Trương Hạnh Linh, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam – Campuchia cho biết.
Hiện tín dụng xanh đang được cho vay khoảng 12 lĩnh vực, nhưng gần 1 nửa dư nợ tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Khi có được các tiêu chí phân loại dự án xanh cụ thể, sẽ giúp vốn xanh lan tỏa tới nhiều hơn các lĩnh vực khác.
Tài chính xanh là một vấn đề quan trọng trong nỗ lực phát triển chung. Lĩnh vực này đang được coi là đột phá ưu tiên. Một ví dụ cụ thể trong việc huy động tài chính xanh chính là trường hợp của việc thực thi Tuyên bố "Chuyển dịch đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng" (JEPT). Với tuyên bố này, các đối tác cam kết huy động số tiền ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. trong đó có 7,75 tỷ USD do Nhóm các đối tác quốc tế (Nhóm IPG) huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.
Nếu mục tiêu phát triển bền vững được đưa ra là 17 mục tiêu thì hiện tại Việt Nam mới thực thi được 6 mục tiêu bao gồm giảm nghèo đa chiều, nước sạch hợp vệ sinh, mở rộng mạng lưới an sinh, dịch vụ công chất lượng. Còn 11/17 mục tiêu nữa chúng ta phải cố gắng, trong đó có nhiều mục tiêu xanh như cần như tiêu thụ, sản xuất sản phẩm xanh, phát triển năng lượng sạch với giá hợp lý, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, môi trường đất liền. Với cam kết phát thải ròng về bằng 0 Netzero vào năm 2050, chúng ta tiếp tục phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiếp cận tài chính xanh một cách cụ thể, chi tiết.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 19/9 với khách mời là ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi Khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.7113150291903202-hnax-gnud-nit-yad-cuht-ed-cam-gnouv-og/et-hnik/nv.vtv