Ngày 20-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Lâm Thị Mai Anh, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA), cho biết tất cả thông tin liên quan đến phiên đấu giá sẽ được bảo mật. “Hiện phía công ty đang tập trung để chuẩn bị chu đáo cho cuộc đấu giá tiếp theo” - bà Mai Anh thông tin.
Mong sở hữu biển số với giá hợp lý
Chị LA (ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) tỏ ra tiếc nuối trong phiên đấu giá lần trước vì đã không thể sở hữu được biển số mà mình đã đăng ký đấu giá. Bởi theo chị, những người đấu giá cùng đã đẩy mức giá lên vượt quá khả năng tài chính của chị.
Chị LA cũng nghi ngờ về khả năng tài chính của những người tham gia đấu giá cùng, sau khi trúng với mức giá “trên trời” như vậy, họ có hoàn thành thanh toán số tiền lớn như đã phát giá đấu để chính thức sở hữu được biển số xe hay chỉ là tham gia “đấu cho vui”.
“Phiên đấu giá lần đầu, tôi và người thân tham gia đấu ba biển số nhưng tất cả đều phải bỏ cuộc vì giá được những người đấu đẩy lên quá cao. Ở phiên đấu giá ngày 21-9, tôi tiếp tục tham gia đấu giá một biển số ô tô khác, hy vọng sẽ có thể sở hữu biển số với mức giá hợp lý” - chị LA thông tin.
Đối với những người đã trúng đấu giá trước đó, ông NTĐ (45 tuổi, ngụ huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, người trúng đấu giá biển ô tô 99A-666.66 hôm 15-9) cho biết ông đã hoàn thành thanh toán số tiền 4,23 tỉ đồng tới tài khoản ngân hàng quản lý tài khoản chuyên thu đấu giá biển số ô tô.
Ông Đ dự kiến lắp biển số vào xe Mercedes GLS 400 để đi lại. Theo ông Đ, lý do sẵn sàng chi số tiền lớn để quyết lấy biển số này về vì biển số có năm số 6 tượng trưng cho chữ “lộc”, đồng thời đầu số biển thuộc tỉnh Bắc Ninh là 99 cũng là đầu số đẹp và lớn nhất của cả nước.
Người trúng đấu giá có được bán lại với giá cao?
Trước thắc mắc về việc người trúng đấu giá có được bán lại biển số ô tô đã trúng, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phân tích: Người trúng đấu giá biển số xe sẽ được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là chính biển số xe đó.
Do vậy, họ sẽ có đầy đủ quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt (chính là việc được tự do chuyển nhượng, tặng cho…). Tuy nhiên, do đây là một loại tài sản mới được ghi nhận bởi pháp luật Việt Nam nên việc chuyển nhượng biển số đấu giá phải tuân theo quy định tại Thông tư số 24/2023 (ban hành ngày 1-7) của Bộ Công an.
Trước đó, ngày 15-9, VPA đã tổ chức đấu giá thành công 11 biển số siêu đẹp. Biển số đẹp ở TP.HCM ghi nhận mức đấu giá kỷ lục 32,34 tỉ đồng. Hai biển số ở TP Hà Nội 30K-555.55, 30K-567.89 được khách hàng trả lần lượt 14,12 tỉ đồng và 13,075 tỉ đồng. Các biển số ở địa phương khác có kết quả đấu giá từ 650 triệu đến 4,27 tỉ đồng.
Theo đó, chủ sở hữu có thể chuyển nhượng, rao bán biển số đấu giá nhưng phải chuyển nhượng kèm theo xe, không thể chuyển nhượng mình biển số một cách độc lập được. Theo thông tư mới của Bộ Công an, chủ xe phải giữ lại biển số định danh khi chuyển nhượng xe. Riêng biển số trúng đấu giá là trường hợp duy nhất được áp dụng chuyển nhượng xe kèm theo biển số.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá biển số ô tô thực hiện đăng ký xe tại Phòng CSGT nơi cư trú hoặc Phòng CSGT nơi quản lý biển số trúng đấu giá. Sau khi cán bộ đăng ký xe kiểm tra hồ sơ xe, thực tế xe bảo đảm hợp lệ thì được cơ quan đăng ký xe cấp biển số xe trúng đấu giá.
Đối với trường hợp chuyển quyền sở hữu xe không kèm theo biển số xe trúng đấu giá, chủ xe nộp hồ sơ và làm thủ tục thu hồi. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe nộp hồ sơ và làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định.
Trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá: Chủ xe nộp hồ sơ và làm thủ tục thu hồi, chủ xe không phải nộp lại biển số xe trúng đấu giá nhưng phải nộp bản sao chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và xuất trình bản chính để đối chiếu.
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe nộp hồ sơ và làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, được đăng ký, giữ nguyên biển số xe trúng đấu giá.
“Do biển số đấu giá là tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân nên sẽ không phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài chính và việc chuyển nhượng biển số xe trúng đấu giá bắt buộc phải chuyển nhượng cùng ô tô. Mà việc chuyển nhượng ô tô đối với cá nhân ở Việt Nam không phải là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân, vậy nên người chuyển nhượng sẽ không phải chịu thuế khi chuyển nhượng” - luật sư Tuấn Anh phân tích thêm.•
Chỉ được bán xe một lần
Một cán bộ hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết theo Nghị quyết 73 về thí điểm đấu giá biển số ô tô cho phép một lần được bán biển số theo xe.
Ví dụ, một người trúng đấu giá biển số xe, sau đó họ sẽ phải làm thủ tục đăng ký để gắn biển số vào xe của họ. Nếu có nhu cầu bán lại, họ phải bán cả xe kèm theo biển số xe nhưng chỉ được bán một lần.
“Về việc họ bán với mức giá cao hơn so với số tiền đã trúng đấu giá không vi phạm pháp luật, không ai cấm điều đó vì đó là thỏa thuận dân sự giữa người bán và người mua” - vị cán bộ này nói thêm.