Chiều 21-9, đoàn giám sát HĐND TP.HCM đã tổ chức giám sát về việc triển khai các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Chưa nghiệm thu phòng cháy dân đã "chiếm" nhà
Báo cáo với đoàn giám sát, trưởng Phòng quản lý đô thị huyện Bình Chánh cho hay giai đoạn 2016 - 2025 huyện Bình Chánh có 15 dự án nhà ở xã hội chưa triển khai, 2 dự án đã hoàn thành, 3 dự án hoàn thành một phần và 1 dự án đang triển khai.
Qua đó, đã đưa vào sử dụng 3.222 căn nhà ở xã hội (giai đoạn 2016 - 2020) và đang triển khai nghiệm thu để đưa vào sử dụng 1.344 căn nhà ở xã hội (giai đoạn 2021 - 2025).
Đáng lưu ý, theo báo cáo của huyện, tại dự án khu nhà ở Vĩnh Lộc A (giai đoạn 1) do Công ty CP Sông Đà An Nhân làm chủ đầu tư ở xã Vĩnh Lộc A mới xây thô 2 block chung cư với tổng quy mô 1.344 căn hộ. Tuy nhiên công trình vẫn chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu về đấu nối điện và môi trường.
"Do chậm bàn giao nên nhiều người dân mua nhà đã dọn vào ở dự án để giữ nhà và phát sinh khiếu nại...", đại diện huyện Bình Chánh báo cáo.
Lưu ý về dự án này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh một dự án chưa hoàn thành nghiệm thu phòng cháy chữa cháy mà người dân đã vào ở thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, UBND huyện và các sở ngành liên quan.
"Qua vụ cháy chung cư mini, thực trạng phòng cháy chữa cháy tại chung cư, nếu dự án trên chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy mà dân đã vào ở thì UBND huyện cần vào cuộc ngay, không chần chừ. Cần mời ngay chủ đầu tư để giải quyết. Nếu dự án nhà ở chưa đủ điều kiện để ở mà vào ở thì phải xử lý theo quy định pháp luật", bà Lệ nhấn mạnh.
Cần chế tài chủ đầu tư nhà ở xã hội đem khách hàng "bỏ chợ"
Báo cáo với đoàn giám sát, huyện Bình Chánh cũng thông tin về tình hình tài chính, khả năng thực hiện tiếp tục dự án khu nhà ở Vĩnh Lộc A (giai đoạn 1) của chủ đầu tư.
Theo UBND huyện, thời gian qua huyện một mặt làm việc với chủ đầu tư, một mặt liên tục làm việc với người dân mua nhà tại dự án để giải quyết các khiếu nại phát sinh, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, tránh gây bức xúc, khiếu nại đông người.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng nêu một điển hình khác là dự án khu dân cư trung tâm thương mại xã Tân Nhựt do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư có quy mô hơn 12,3ha, trong đó diện tích xây nhà ở xã hội là gần 2ha.
Tuy nhiên Công ty Huỳnh Thông chưa thực hiện dự án nhà ở xã hội do đã bán hàng trăm nền cho UBND quận Bình Tân để tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án kênh Tham Lương - rạch Nước Lên.
Trong số nền đã bán có khoảng 50 nền người dân đã xây nhà ở ổn định. Còn nhiều nền chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng.
Do pháp lý dự án chưa đầy đủ và có nhiều vi phạm, đến nay các hộ dân tái định cư (và cả trường hợp mua nhà thương mại) vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền.
Báo cáo thêm về trường hợp dự án Công ty Huỳnh Thông và dự án khu nhà ở Vĩnh Lộc A, ông Huỳnh Thanh Khiết, phó giám đốc Sở Xây dựng TP, cho hay sở cũng đã làm việc nhiều lần với hai chủ đầu tư của hai dự án.
"Tiến độ giải quyết rất chậm. Thêm vào đó các chủ đầu tư của dự án cũng có những tồn tại, khuyết điểm và khả năng để tiếp tục thực hiện dự án là thấp. Vì vậy, sở đề nghị huyện Bình Chánh phối hợp đánh giá khả năng chế tài, tố tụng đối với chủ đầu tư nhằm giải quyết rốt ráo, bảo vệ quyền lợi người dân", ông Khiết nói.
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng trong giai đoạn giám sát đến nay huyện mới có 2 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, còn lại đến 19 dự án chậm tiến độ, hoặc chưa triển khai.
"Đề nghị huyện cùng với các sở ngành quan tâm tháo gỡ để bảo đảm nhà ở xã hội tại các dự án độc lập hay tại các dự án thương mại mà chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ 20% nhà ở xã hội hoàn thành đúng tiến độ", bà Lệ đề nghị.
Trước đó, đoàn giám sát cũng đi khảo sát tại dự án nhà ở xã hội nằm trong dự án nhà ở thương mại thuộc dự án khu nhà ở Nguyên Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh).
Tình trạng tranh suất mua nhà để bán kiếm lời diễn ra khi nhu cầu vượt quá xa so với nguồn cung, đặc biệt là ở các đô thị lớn.