'TT Putin nắm trong tay siêu máy tính mạnh hơn cả Anh'
Theo tờ Telegraph, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nắm trong tay nhiều siêu máy tính mạnh hơn những gì các đối thủ tưởng tượng, làm dấy lên "hồi chuông báo động" ở Anh.
Các nhà khoa học hàng đầu của Anh đã kêu gọi Thủ tướng Rishi Sunak đầu tư 600 triệu USD để xây dựng một siêu máy tính mới có khả năng huấn luyện các chương trình trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Trong khi đó, các Bộ trưởng Anh nhận được loạt cảnh báo rằng, tình trạng thiếu đầu tư vào hệ thống siêu máy tính như hiện nay có thể "đe dọa vị thế dẫn đầu quốc tế về khoa học và công nghệ của Vương quốc Anh".
Theo đánh giá của chính phủ Anh công bố vào tháng 3 năm nay, Anh đã tụt vị trí trên bảng xếp hạng toàn cầu về khả năng tính toán quy mô lớn. Nước này hiện đứng thứ 10 thế giới, sau Nga, Trung Quốc và Pháp về năng lực siêu máy tính, trong khi từng "chễm chệ" ở vị trí số 3 vào năm 2005.
Đáng nói, Anh hiện không có máy tính nào lọt vào top 25 hệ thống mạnh nhất toàn cầu, trong khi chỉ có 2 siêu máy tính nằm trong top 100.
Archer2, một siêu máy tính đặt tại Đại học Edinburgh, hiện đang được xem là máy tính tiên tiến nhất của Anh, nhưng công suất của nó chỉ bằng 1/100 so với hệ thống tốt nhất của Nhật Bản và bằng 1/56 so với của Mỹ. Siêu máy tính Cray của Văn phòng Khí tượng Quốc gia, trước đây từng là một trong những máy tính tiên tiến nhất thế giới, hiện đứng thứ 86.
Đang có những lo ngại rằng, nếu không đầu tư, Anh sẽ bị tụt lại trong cuộc đua siêu máy tính toàn cầu. Mỹ, Trung Quốc và Nga thì đang tiến xa hơn trong cuộc đua toàn cầu về công suất tính toán, cho phép các nhà khoa học của họ đạt được tiềm năng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Nga sẽ phủ sóng siêu máy tính khắp cả nước
Theo Newsweek, Tổng thống Putin đã đặt mục tiêu "phủ sóng" siêu máy tính trên khắp đất nước. Ông đã ra các chỉ thị và mệnh lệnh về việc đầu tư vào phát triển siêu máy tính, cũng như công nghệ liên quan tại Nga.
Nhà lãnh đạo thúc đẩy việc tăng cường khả năng các trung tâm siêu máy tính ở Nga, bao gồm cả các trung tâm địa phương. Các chỉ thị của ông cũng nhấn mạnh tới việc thiết lập quy trình tương tác giữa các trung tâm siêu máy tính, tăng cường băng thông và khả năng tiếp cận địa lý của chúng.
Phát biểu trong một chuyến thăm tới Trường Cao đẳng Công nghệ Hóa chất Cherepovets, ông Putin cho biết, Nga đã có các kế hoạch sẵn sàng nhằm mở rộng mạng lưới siêu máy tính và trung tâm dữ liệu công nghệ cao không giới hạn ở thủ đô Moscow.
Các siêu máy tính của Nga hiện góp mặt trong top 500 hệ thống siêu máy tính hàng đầu thế giới. Theo hãng tin Sputnik (Nga), lâu nay nhiều quốc gia cho rằng Nga là nước lạc hậu trong lĩnh vực công nghệ máy tính, tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Trên thực tế, Nga đã chứng minh được vị thế "thủ lĩnh tuyệt đối" trong lĩnh vực siêu máy tính.
Gần đây, công ty RSK Group (trụ sở ở Moscow) - nhà phát triển có tiếng của Nga trong giới sáng chế và tích hợp giải pháp siêu máy tính đã tham gia Triển lãm Công nghiệp INNOPROM-2023 tổ chức ở Ekaterinburg.
Ông Alexei Shmelev - Giám đốc điều hành của RSK Group cho biết, công ty đã gia nhập thị trường vào năm 2009 và nhanh chóng trở thành doanh nghiệp Nga duy nhất lọt Top 10 nhà sản xuất siêu máy tính hàng đầu thế giới.
Trả lời câu hỏi của Sputnik về việc liệu siêu máy tính của RSK Group có thể thay thế các giải pháp nước ngoài nhằm giải quyết nhiệm vụ thay thế nhập khẩu hay không, ông Shmelev khẳng định, về hạng mục này, RSK Group là "thủ lĩnh tuyệt đối". Hiện chưa tồn tại giải pháp nào khác ưu việt như sản phẩm của RSK Group.
Trong khi đó, cuối tháng 8 vừa qua, Đại học Quốc gia Moscow M.V. Lomonosov đã thông báo về việc ra mắt một siêu máy tính mới. Nó sẽ được sử dụng trong việc tìm kiếm phương pháp bảo vệ mới cho các hệ thống dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hiệu suất của máy tính này là 400 petaflops.
Các chuyên gia nhận định, hiện Nga đang nắm trong tay một số lợi thế quan trọng trong việc phát triển siêu máy tính, bao gồm:
- Kỹ năng và tri thức: Nga có một lực lượng lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, toán học và khoa học máy tính.
- Truyền thống khoa học mạnh mẽ: Nga có một lịch sử dài và truyền thống vững chắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ. Các viện nghiên cứu và trường đại học của Nga có thể cung cấp cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để phát triển và vận hành siêu máy tính.
- Công nghệ cơ bản: Nga đã phát triển một số công nghệ cơ bản quan trọng cho việc xây dựng siêu máy tính, bao gồm các vi xử lý Elbrus và kiến trúc NeuroMatrix. Điều này cho phép Nga tự sản xuất các thành phần cần thiết cho siêu máy tính của mình.
- Tài nguyên tự nhiên: Nga có một số lượng lớn tài nguyên tự nhiên, bao gồm điện năng rẻ và nguồn nước mát. Điều này quan trọng cho việc vận hành các trung tâm dữ liệu và siêu máy tính, đồng thời giúp giảm chi phí hoạt động.
- Ưu tiên quốc gia và đầu tư: Chính phủ Nga đã đưa ra ưu tiên trong việc phát triển đột phá trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm siêu máy tính.
Những lợi thế này mang tới cho Nga cơ hội để phát triển và xây dựng siêu máy tính mạnh mẽ, tạo đà cho sự tiến bộ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế và quốc phòng của đất nước.