Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko đang có chuyến thăm chính thức theo lời mời của Nhà nước Việt Nam từ ngày 20 đến 25-9.
Sáng 23-9, trước khi rời đi miền Trung, Công nương Kiko đã ghé thăm Công ty Kym Viet ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Địa chỉ này vừa là một không gian cà phê thoáng đãng, vừa là một xưởng sản xuất đồ thủ công của người khuyết tật.
Sau khi công nương chào tạm biệt và ra về, Tuổi Trẻ Online đã được đại diện Kym Viet chia sẻ nhiều câu chuyện hậu trường về chuyến ghé thăm này.
Công nương chăm chú học ngôn ngữ ký hiệu
Đoàn Hoàng gia Nhật Bản đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho chuyến thăm. Họ đề nghị Kym Viet sắp xếp một buổi học online qua Zoom, cử một đại diện dạy Công nương Kiko cách dùng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam.
Người dạy là chị Nguyễn Thị Đính (sinh năm 1966), một nhân viên của Kym Viet, người đã có hàng chục năm gắn bó với việc dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính.
Buổi học diễn ra trong hai tiếng từ 15h đến 17h (giờ Việt Nam). Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cử ba nhân viên ngồi ở đầu cầu Hà Nội, trong khi công nương xuất hiện từ đầu cầu hoàng cung.
Chị Đính cho biết công nương đã khá thông thạo ngôn ngữ ký hiệu Nhật Bản trước đó, vì thế buổi học giúp công nương hiểu hơn về cách dùng ngôn ngữ ký hiệu ở Việt Nam.
Trong buổi học, Công nương Kiko rất chăm chú và đề nghị được học những câu như “Xin chào, tôi rất hân hạnh được gặp ông bà lần đầu tiên tại Kym Viet” hay “Ông bà có khỏe không?”.
Tò mò với món trà đào cam sả
Từ trước khi sang thăm, thông qua trao đổi giữa phía Nhật Bản với Kym Việt, công nương đã chọn món chanh lắc để uống. Song các bạn pha chế khiếm thính tư vấn món này không quá ngon và gợi ý công nương thử món trà đào cam sả.
Bà đã vui vẻ lắng nghe, để ngỏ hai lựa chọn và quyết định khi đến trực tiếp.
Tại Kym Việt, Công nương Kiko đã dùng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để giao tiếp với nhân viên phục vụ. Bà cũng rất bất ngờ về menu đa dạng đồ uống và đã chọn món trà đào cam sả như được gợi ý.
Công nương đã quên bẵng đi món nước sau khi được mang ra vì say mê nói chuyện với các bạn trẻ khiếm thính. Khi chợt nhớ ra và nhìn xuống, bà cực kỳ ngạc nhiên khi trong cốc nước lại có một nhánh sả. Được giải thích, bà nhấc nhánh sả lên ngửi và nói nó rất thơm.
Công nương uống thử một ngụm, tấm tắc khen ngon và cuối cùng đã thưởng thức hết nửa cốc. Khi ấy, các nhân viên của Kym Viet rất bất ngờ bởi không ai nghĩ công nương Nhật Bản lại gần gũi và uống nước vô tư như thế.
"Điều đó cũng chứng minh rằng Công nương Kiko tin, tôn trọng, ủng hộ cộng đồng người yếu thế nói chung và những bạn trẻ khuyết tật ở Kym Viet nói riêng", đại diện công ty cho biết.
Mua thú nhồi bông làm quà cho con trai
Sau khi tham quan một vòng các sản phẩm của Kym Viet, công nương đã chủ động đề nghị đi thêm lượt nữa để lựa chọn các món đồ ưng ý. Bà đã nhờ trợ lý lấy cho chiếc điện thoại để trực tiếp chụp hình rất nhiều thú nhồi bông.
Kym Viet đã giới thiệu sản phẩm chó vải nhồi bông lấy cảm hứng từ hình tượng chó đá - con vật giữ cửa truyền thống Việt Nam. Thật trùng hợp khi Hoàng tử Hisahito (con trai duy nhất của Hoàng thái tử Akishino và Công nương Kiko) sinh năm 2006, tức tuổi Tuất theo quan niệm phương Đông, vì vậy công nương đã ngay lập tức mua ba con chó vải để làm quà.
Công nương còn mua rất nhiều món đồ lưu niệm khác, tổng cộng khoảng 20 món. Trong đó bà đã mua một thú nhồi bông sao la vải có hình lá cờ Việt Nam. Bà cũng được nghe giới thiệu về sao la (hay kỳ lân châu Á) - loài động vật quý hiếm lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 5-1992 và cũng là linh vật của SEA Games 31.
Kym Viet cũng tặng cho công nương con rồng nhồi bông được làm thủ công và tỉ mỉ trong nhiều ngày.
"Bà Kiko đã rất thích thú và trân quý món quà, thậm chí khi ra xe ô tô, bà trực tiếp ôm con rồng trên tay mà không cần trợ lý hay thư ký làm việc này", vị đại diện nói.
Biểu tượng Nhật Bản ở Kym Viet
Trước đây, một doanh nhân Nhật đã đến Kym Viet đặt hàng sản xuất và xuất sang Nhật sản phẩm cá mòi nhồi bông - hình tượng may mắn của người Nhật. Sau này, ông Phạm Việt Hoài - chủ tịch của Kym Viet - đã xin phép và nhận được sự đồng ý của doanh nhân Nhật để bày bán sản phẩm này ở Việt Nam.
"Đây có lẽ là sự khởi đầu của mối lương duyên giữa những người yếu thế Việt Nam, những sản phẩm thủ công của người khuyết tật Việt Nam với nhân dân Nhật Bản. Từ lâu người Nhật đã tin tưởng các sản phẩm của người khuyết tật Việt Nam", ông Hoài nói.
Công nương Kiko đã được tận mắt nhìn thấy đàn cá mòi được treo tại Kym Việt, nghe kể lại câu chuyện và rất ngạc nhiên khi biết một giá trị văn hóa Nhật Bản lại xuất hiện ở một cơ sở của người khiếm thính tại Việt Nam.
Ông Hoài đã bày tỏ với công nương mong muốn được đưa tới Nhật Bản nhiều sản phẩm hơn trong tương lai, cùng với đó mở rộng mạng lưới kết nối với các đối tác Nhật Bản để cùng nhau phát triển các sản phẩm.
Ông cũng hy vọng có thể lấy thêm các nguyên liệu từ Nhật Bản, kết hợp với bàn tay khéo léo của người thợ Việt để làm ra những sản phẩm đặc biệt.
“Các sản phẩm thủ công của người khiếm thính Việt Nam như một cầu nối văn hóa, kinh tế, để nhân dân Nhật Bản thấy rằng cộng đồng người yếu thế của Việt Nam vẫn đóng góp được những sản phẩm đặc biệt cho nền kinh tế, tạo ra giá trị cho xã hội.
Điều này cũng giúp các doanh nghiệp xã hội Việt Nam tiên phong tiến ra thế giới, tạo dấu ấn về sản phẩm Việt Nam trên thế giới”, ông Hoài bộc bạch.
Sáng nay 23-9, Công nương Nhật Bản Kiko đã ghé quận Nam Từ Liêm, thăm một công ty sản xuất các sản phẩm thủ công làm từ vải do bàn tay khéo léo của những người lao động khuyết tật tạo nên.