CV (Curriculum Vitae), ngoài nghĩa là hồ sơ công việc, cũng có nhiều cách gọi như sơ yếu lý lịch, bản tự thuật… "Rải" CV, như Mơ nói, là cụm từ lao động nhóm thanh niên, nhất là sinh viên mới ra trường thường dùng, chỉ việc nộp hồ sơ cùng lúc ở nhiều vị trí công việc, ở nhiều công ty khác nhau trên các nền tảng tuyển dụng trực tuyến. Rải CV nhằm giúp tiết kiệm thời gian, có thêm nhiều cơ hội vị trí công việc và tăng xác suất tìm được việc.
Nhưng tựu trung lại, CV là bản tóm tắt thông tin cá nhân, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, mục tiêu nghề nghiệp, kỹ năng, chứng chỉ, giải thưởng, hoạt động cộng đồng… có liên quan tới vị trí công việc mà lao động muốn ứng tuyển. Một CV "đẹp" đóng vai trò tiên quyết để lại ấn tượng với nhà tuyển dụng.
BIẾN ĐỘNG HƠN
Mơ chia sẻ rằng cô đã nộp CV trên các trang tuyển dụng phổ biến như Vietnamworks (Navigos), TopCV, LinkedIn, JobHopin… "Nộp rất nhiều nhưng nhiều lúc nản vì gửi CV mà không thấy hồi âm. Nhưng mình tự nhủ phải kiên nhẫn chờ đợi vì 3 năm qua công việc của mình bấp bênh lắm", Mơ kể và nói thêm rằng do chuyên làm về marketing nên công việc không kén lĩnh vực công ty, tuy đi kèm với nhiều cơ hội việc làm nhưng tỷ lệ cạnh tranh khá cao. Công ty đầu tiên Mơ làm phải giải thể vì dịch Covid-19 đợt 1 năm 2020. Sau đó, Mơ ứng tuyển và được nhận vào làm việc ở một công ty du lịch.
"Nhưng rồi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, ngành du lịch bị đóng băng. Chính sách phúc lợi giảm mạnh, bị nợ lương nhiều tháng nên mình đành nghỉ việc để tìm nơi mới thu nhập ổn định hơn", Mơ kể.
Sau 5 lần phỏng vấn, Mơ được nhận vào làm ở một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ về truyền thông, quảng cáo. "Nhưng do làm việc từ xa vì giãn cách nên đồng nghiệp khó hiểu nhau, có nhiều bất đồng trong công việc. Đến khi TP.HCM hết giãn cách vào tháng 10.2021, mình đi tìm việc khác và cuối cùng được nhận vào làm ở một công ty chuyên giải pháp công nghệ. Mức lương gần 20 triệu đồng/tháng, môi trường làm việc thân thiện khiến mình rất hài lòng. Nhưng không ngờ từ cuối năm 2022, trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, công ty ra thông báo giảm lương đợt 1, đợt 2 rồi sau đó là cắt giảm lao động", Mơ cho biết.
Qua 2 lần thông báo, Mơ có tên trong danh sách cắt giảm nhân sự đợt 3. "Từ lúc ngừng việc, mất 3 tháng dài đằng đẵng để tìm việc mới, mình cứ rải CV như vậy rồi tìm công ty để ứng tuyển… Nhưng rất lâu mới có người liên hệ. Đó cũng là thời gian dài nhất mình thất nghiệp và lần đầu tiên mình phải tìm đến trung tâm dịch vụ việc làm để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp", Mơ cho hay.
Sau 3 tháng nhận trợ cấp thất nghiệp và liên tục tìm việc, Mơ được một công ty xuất khẩu lao động phản hồi, dù mức lương thấp hơn nhiều so với các chỗ làm trước nhưng Mơ nói mình không thể đòi hỏi gì thêm. "Rất nhiều đồng nghiệp của mình cũng đang chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn so với khả năng và kinh nghiệm để mong vượt qua giai đoạn khó khăn chung", Mơ nói.
KHÓ TÌM VIỆC PHÙ HỢP TIÊU CHÍ HƠN TRƯỚC?
Không chỉ Mơ, nhiều người lao động cũng cho rằng hiện nay khó tìm việc hơn trước nếu không chấp nhận giảm bớt các tiêu chí nghề nghiệp. Thiên Lý (26 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết kể từ khi ra trường đến nay cô cũng làm nhiều vị trí, nhưng năm nay là năm đầu tiên Lý thấy tuyển dụng có dấu hiệu chững lại, nhất là với nhóm ngành dịch vụ vốn "hút" lao động xưa nay như thông tin truyền thông - marketing.
Theo Lý, khó tìm được công việc phù hợp với mình nếu không có quen biết, giới thiệu. Cũng có khi vào làm thì bị áp lực, quá tải công việc vì nhân sự đảm trách các vị trí đó đã bị cho cắt giảm khiến khối lượng công việc nhiều hơn trước, trong khi đó lương không tăng, thậm chí còn giảm.
"Trước đây mình không để ý lắm đến việc tìm hiểu, đánh giá các công ty trước khi nộp hồ sơ tìm việc, vì số lượng công ty xem CV nhiều. Chỉ đợi khi nào có người hẹn phỏng vấn, thấy phúc lợi của công ty đáp ứng hết các tiêu chí thì mình mới tính đến bước kế tiếp. Nhưng giờ có rất ít công ty xem hồ sơ, nên suốt quá trình thất nghiệp, mình bỏ nhiều thời gian để xem kỹ tỷ lệ cạnh tranh các công việc ứng tuyển, hoặc vào các hội nhóm "bóc phốt", "review" công ty, thông tin tuyển dụng trên Facebook để "săn" và nộp hồ sơ sớm. Từ lúc rải CV từ tháng 7 đến giờ đã 2 tháng, nhưng thời gian chờ người gọi mình là lâu lắm", Lý kể.
Lý cho biết các công việc cô ứng tuyển ngoại trừ các tiêu chí về lĩnh vực và công việc cụ thể, địa điểm, thời gian làm việc…, thì mức lương ưu tiên ứng tuyển của cô là trên 10 triệu đồng/tháng, tức bằng hoặc cao hơn mức lương ở công ty cũ. Mức lương này, theo cô mới đủ sống ở TP.HCM cũng như tích lũy để phụ giúp gia đình, phòng cho lúc đau ốm. Tuy nhiên, Lý cho rằng dù mình có bị giảm lương so với tiêu chí ban đầu để có việc dễ hơn thì nhà tuyển dụng vẫn phản hồi rất chậm.
Công bố của công ty nghiên cứu thị trường lao động Navigos Group cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân sự của nhiều nhóm ngành nghề trong những tháng đầu năm 2023 giảm sút từ 18 - 43% so với trước dịch Covid-19. Trong đó, những ngành nghề đang sút giảm nhân sự rất mạnh như du lịch, nhà hàng và khách sạn; dệt may và da giày; xây dựng và bất động sản; thu mua, vật tư và cung vận; công nghệ thông tin; xuất nhập khẩu; vận tải và logistics; pháp lý và hành chính; marketing…
Cuối tháng 8.2023, chúng tôi vào một số nền tảng tuyển dụng trực tuyến phổ biến như Vietnamworks, TopCV, LinkedIn, Careerbuilder, Ybox… và tạo 2 hồ sơ công việc như sau: một là hồ sơ trình độ đại học với kinh nghiệm 4 năm để ứng tuyển các công việc trong nhóm ngành dịch vụ chủ yếu hút lao động của TP.HCM như kinh doanh thương mại (nhân viên tư vấn bán hàng), truyền thông - marketing, hành chính nhân sự; hai là trình độ 12/12 để ứng tuyển các công việc phổ thông như bảo vệ, đóng gói, phụ kho…
Các nền tảng tuyển dụng này rất hữu ích vì cho phép người lao động tạo CV trực tuyến, thu hẹp tối đa phạm vi các công ty phù hợp tiêu chí của lao động, tiết kiệm thời gian đi lại. Đặc biệt là tự động điều hướng hồ sơ của người lao động khi bật chế độ công khai tìm việc để nhà tuyển dụng chủ động liên hệ.
Chẳng hạn như trên TopCV, hồ sơ trình độ đại học của chúng tôi được đánh giá phù hợp tới hơn 90% với yêu cầu của nhiều nhà tuyển dụng. Chúng tôi thiết lập các tiêu chí đúng theo chỉ tiêu ngành nghề mong muốn của mình với mức lương từ 9 - 12 triệu đồng/tháng và lựa chọn khoảng 25 công ty để rải CV.
Sáng hôm sau, có một công ty gọi điện để hỏi trao đổi về trình độ học vấn, kinh nghiệm rồi cho hay sẽ gửi thời gian phỏng vấn qua email. Nhưng đến nay đã 1 tháng, nhân sự của công ty đó vẫn "bặt vô âm tín", khi điện thoại lại thì không nhấc máy. Cũng có 2 công ty liên hệ rồi sau đó thông báo lại đã tuyển đủ người. Còn lại, chúng tôi chỉ nhận được thông báo từ trang tuyển dụng: "Nhà tuyển dụng vừa xem CV của bạn", "Nhà tuyển dụng vừa đánh giá CV của bạn là chưa phù hợp"…
Với CV trình độ phổ thông còn lại, chúng tôi tìm và ứng tuyển các công việc như bảo vệ, thu ngân, đóng gói bao bì, công nhân… với mức lương từ 4 - 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, kết quả cũng không như mong đợi. Các nền tảng tuyển dụng khác cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Không khả quan, chúng tôi thử đăng bài tìm việc làm ở một số hội, nhóm việc làm trên Facebook. Sau khoảng vài ngày, tôi khá bất ngờ khi trái ngược với những bài đăng tuyển dụng, các bài tìm việc đều rất ít tương tác...
(còn tiếp)