vĐồng tin tức tài chính 365

Tại sao một số nạn nhân bị bắt cóc lại không bỏ trốn?

2020-09-03 07:19

Từ năm 2002 tới 2013, ba cô gái Amanda Berry, Georgina DeJesus và Michele Knight bị kẻ bắt cóc Ariel Castro giam cầm tại nhà riêng thuộc thành phố Cleveland, bang Ohio. Tới 6/5/2013, nhân lúc Castro rời đi, quên không khóa cửa chính, Berry (27 tuổi) tạo tiếng động từ trong nhà để kêu cứu hàng xóm. Chỉ ít phút sau, ba cô được giải cứu.

Sau sự việc, một số người chỉ ra rằng căn nhà của Castro khá nhỏ và nằm trong khu phố đông đúc. Hàng xóm thường thấy Castro đi ra ngoài nên đây có lẽ không phải là lần đầu tiên ba nạn nhân có cơ hội kêu cứu. Vậy tại sao họ không trốn thoát sớm hơn?

Lý giải vấn đề này, tiến sĩ Michael Welner, nhà tâm thần học pháp y, cho biết thủ đoạn thông thường của kẻ bắt cóc là reo giắc nỗi sợ cực lớn khiến nạn nhân nghĩ rằng bản thân hoặc gia đình có thể bị làm hại. Kẻ bắt cóc sẽ tác động lên thân thể và tâm lý để hạ thấp nhân phẩm của nạn nhân, từ đó khiến họ mất đi chính mình.

Ví dụ, trường hợp của Michael Devlin, kẻ bắt cóc bé trai 11 tuổi Shawn Hornbeck tại vùng ngoại ô thành phố St. Louis, bang Missouri vào tháng 10/2002. Devlin dùng nhiều thủ đoạn để kiểm soát Hornbeck. Ban đầu, hắn ta nhiều lần xâm hại rồi doạ tính mạng cho tới khi cậu bé hứa không bao giờ bỏ trốn. Trong bốn năm tiếp theo, Devlin lợi dụng Hornbeck để quay phim đồi trụy, thậm chí còn đưa đi cùng trong vụ bắt cóc khác nhằm biến cậu bé thành đồng phạm.

Dưới thủ đoạn tâm lý trên, Hornbeck không tìm cách bỏ trốn khi được cho chơi tự do ngoài vườn, kể cả khi tiếp xúc với cảnh sát. Được giải cứu vào đầu năm 2007 nhưng Hornbeck vẫn "cảm thấy phần nào tội lỗi".

Kẻ bắt cóc cũng có thể dàn cảnh để "thử lòng" nạn nhân. Ví dụ, Ariel Castro từng cố ý không khóa cửa để xem ba cô gái có tìm cách bỏ trốn hay không. Nếu có, hắn sẽ đánh đập họ. Chính điều này cũng khiến nạn nhân Berry không dám xông qua cửa mà chỉ tạo tiếng động từ trong nhà để thu hút chú ý của hàng xóm.

Ariel Castro (trái) lãnh án chung thân không ân xá nhưng đã tự treo cổ sau một tháng ngồi tù. Ảnh: ABC News.

Ariel Castro (trái) lãnh án chung thân không ân xá nhưng đã treo cổ tự vẫn sau một tháng ngồi tù. Ảnh: ABC News.

Ngoài ra, nếu nạn nhân nữ bị xâm hại và có con, đứa trẻ cũng có thể bị đem ra để gây sức ép buộc đối phương phải ngoan ngoãn tuân theo kẻ bắt cóc.

Một lý do khác cũng khiến nạn nhân không tìm cách trốn khi có cơ hội là hội chứng Stockholm, hiện tượng nạn nhân đồng cảm với kẻ bắt cóc. Ban đầu, nạn nhân có thể chống cự nhưng sẽ dần đầu hàng và trở nên bất lực. Thời gian để đạt tới trạng thái này sẽ được rút ngắn nếu kẻ bắt cóc cho thấy chúng có thể gây đau đớn cho nạn nhân nhưng không làm vậy, theo tiến sĩ Tina Walch, giám đốc phòng chăm sóc ngoại chẩn tại bệnh viện Zucker Hillside tại thành phố New York.

Nếu được đối đãi tốt thay vì bị tra tấn, nạn nhân sẽ dần thấy biết ơn. Cảm giác này theo thời gian có thể xói mòn cả người mạnh mẽ nhất. Đối với nạn nhân, được ở bên cạnh người khác, dù là bất cứ ai đi nữa, cũng tốt hơn so với việc ở một mình. "Nếu đây là mối liên hệ duy nhất, bạn sẽ coi trọng đối phương và không tìm cách trốn khi có cơ hội", tiến sĩ Walch nhận định.

Ngoài ra, việc trở nên thân thiết với kẻ bắt cóc còn có thể là chiến thuật sinh tồn. Nạn nhân càng được kẻ bắt cóc đối đãi tốt thì càng có hy vọng sống sót, theo Elizabeth Carll, nhà tâm thần học sang chấn ở bang New York. Kết hợp với sự sợ hãi, điều này sẽ khiến nạn nhân có thể sẽ muốn làm vừa lòng kẻ bắt cóc.

Quan trọng nhất, Elizabeth Smart, người từng bị bắt cóc và giam cầm trong 9 tháng ở tuổi 14 vào năm 2002-2003 tại bang California (Mỹ) cho rằng sau khi nạn nhân bắt cóc được giải cứu, mọi người không nên đặt câu hỏi "tại sao không bỏ trốn sớm hơn". Những câu hỏi như vậy sẽ chỉ khiến nạn nhân cảm thấy chính bản thân có lỗi khi bị bắt cóc trong thời gian dài.

Quốc Đạt (Theo Time, ABC News, NBC Sandiego)

Xem thêm: lmth.8465514-nort-ob-gnohk-ial-coc-tab-ib-nahn-nan-os-tom-oas-iat/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tại sao một số nạn nhân bị bắt cóc lại không bỏ trốn?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools