Ngược, xuôi trong chuỗi giá trị toàn cầu
Đình Mạnh
(TBKTSG) - Tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam được các nước nhập về và sử dụng như nguyên liệu đầu vào ngày càng giảm, trong khi tỷ trọng nhập nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất ra sản phẩm tiêu dùng cuối cùng ngày càng tăng. Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo kiểu liên kết ngược.
Chỉ số tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC - Global Value Chain) giúp hình dung về mức độ một nền kinh tế được kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu trong hoạt động ngoại thương. Chỉ số này bao gồm hai thành phần phản ảnh các liên kết ngược và xuôi trong các chuỗi sản xuất quốc tế.
Về cơ bản, các nền kinh tế riêng lẻ (nước thứ hai) tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách nhập khẩu đầu vào từ nước ngoài (nước thứ nhất) để sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà chính họ (nước thứ hai) xuất khẩu ra nước thứ ba (backward GVC participation, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng liên kết ngược).
Các hoạt động lắp ráp thường chiếm một phần rất nhỏ trong giá trị của các sản phẩm cuối cùng được lắp ráp, nhưng việc chuyên hoạt động lắp ráp và thực hiện chúng trên quy mô lớn cũng mang lại các lợi ích quan trọng có thể có được. |
Và hình thức thứ hai trong hoạt động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nước thứ hai là bằng cách xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước ra nước thứ ba, mặt hàng này trở thành đầu vào cho một công đoạn sản xuất khác tại nước thứ ba và nước thứ ba này sẽ xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng của nước thứ hai ra một nước thứ tư khác. Đây được gọi là hoạt động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng liên kết xuôi (forward GVC participation).
Việt Nam: Ngược mạnh hơn xuôi
Nhìn vào bảng ta thấy Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong suốt những năm qua khi tổng thị phần giao dịch trong chuỗi (tính tổng cả liên kết ngược và xuôi) đều tăng lên: năm 2005 là khoảng 50,6%, năm 2010 khoảng 52,5% và năm 2015 khoảng 55,6%. Điều đó cho thấy nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đang tham gia với mức độ ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tại châu Á, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia, Singapore.
Tuy nhiên quá trình tham gia vào chuỗi giá trị của Việt Nam cũng có những điểm cần lưu ý về ngắn hạn.
Thứ nhất, Việt Nam mạnh về liên kết ngược hơn là liên kết xuôi. Điều này có nghĩa là Việt Nam dùng phần giá trị gia tăng của nước ngoài cho hàng xuất khẩu của mình hơn là nước ngoài dùng hàng Việt Nam cho hoạt động xuất khẩu của họ. Những con số minh chứng là 36,1% (liên kết ngược) và 14,5% (liên kết xuôi) cho năm 2005, năm 2010 con số này lần lượt là 40,5% và 12,5%, năm 2015 là 44,5% và 11,1%.
Thứ hai, phần đóng góp trong nước (liên kết xuôi) ngày càng giảm, từ mức 14,5% năm 2005 xuống còn 12,5% năm 2010 và 11,1% năm 2015. Phần này có hai ý nghĩa. Thứ nhất là do hoạt động lắp ráp tại Việt Nam đang phát triển không ngừng và chủ yếu dành cho mặt hàng tiêu dùng cuối cùng nên sản phẩm của Việt Nam được tiêu dùng trực tiếp tại nước thứ ba thay vì là nguồn cung đầu vào (sản phẩm trung gian) cho một mặt hàng khác.
Hay nói cách khác là sản phẩm lắp ráp “Made in Vietnam” đang được ưa chuộng tại thị trường nước ngoài. Thứ hai là có thể xem đây là thành quả của quá trình chuyển đổi nền kinh tế, mà cụ thể là hoạt động xuất khẩu từ sản phẩm nguyên liệu thô (như dầu thô, than đá và nông sản thô) sang các sản phẩm tiêu dùng và có hàm lượng sản xuất cao.
Tuy nhiên, những con số trên cũng nói lên một điểm nghẽn trong phần giá trị gia tăng trong nước khi tỷ lệ này ngày càng giảm dần trong khi tỷ lệ liên kết ngược lại càng tăng. Con số này cho thấy, Việt Nam phải nhập khẩu linh kiện và hàng hóa trung gian lớn cho hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Và đây là điểm yếu mà lâu nay thường được nhắc đến: nền công nghiệp phụ trợ. Do nền công nghiệp phụ trợ và linh kiện đóng vai trò then chốt trong đầu vào cho ngành lắp ráp nên nếu ngành này không phát triển thì giá trị gia tăng nội địa sẽ không cao.
Một vài thảo luận
Từ những điểm hạn chế (khách quan) như trên, vấn đề được đặt ra là phải nâng cấp nền kinh tế. Nâng cấp là cần phải tạo ra hàm lượng nội địa ngày càng tăng trong tổng giá trị hàng xuất khẩu. Lấy ví dụ cho ý tưởng này là trường hợp iPad qua các bài nghiên cứu của Xing và Detert - 2010 và Kraemer và cộng sự - 2011, trong đó họ nhấn mạnh phần chia sẻ giá trị gia tăng thấp mà lắp ráp chiếm trong quá trình sản xuất (ít hơn 5% giá bán của mỗi chiếc iPad được sản xuất tại Trung Quốc).
Tuy nhiên, nếu chỉ xét trên một khía cạnh giá trị sản xuất trong nước để đánh giá tổng thể hiệu quả trong dài hạn thì đánh giá đó là chưa hoàn chỉnh vì theo quan điểm giá trị nội địa này, có thể bỏ lỡ điểm mấu chốt khác là về khối lượng của hoạt động lắp ráp, vốn có thể quan trọng ngang với tỷ lệ nội địa của giá trị sản phẩm. Mặc dù thực tế là các hoạt động lắp ráp thường chiếm một phần rất nhỏ trong giá trị của các sản phẩm cuối cùng được lắp ráp, nhưng việc chuyên hoạt động lắp ráp và thực hiện chúng trên quy mô lớn cũng mang lại các lợi ích quan trọng có thể có được.
Ví dụ, việc tập trung chuyên môn hóa vào công đoạn lắp ráp các thiết bị điện tử đã phục vụ tốt cho một số công ty ở châu Á. Họ đã trở thành nhà lắp ráp xuất sắc và thu hút các khách hàng như Apple, Dell, Amazon, Nokia và Samsung.
Tuy nhiên, về dài hạn, một quốc gia hay nền kinh tế không thể đứng yên và hưởng lợi từ một công đoạn như lắp ráp (ngay cả đó là ý muốn chủ quan), vì với sự phát triển của công nghệ và lợi thế chi phí về lao động rẻ không còn, các công ty sẽ chuyển hoạt động lắp ráp đến nước có chi phí lao động rẻ hơn hoặc có nền công nghệ tiên tiến có thể tự động hóa với năng suất cao. Minh chứng là Đài Loan, đã chuyển hoạt động lắp ráp sang Trung Quốc và hiện tại Trung Quốc đang tiến hành đúng chiến lược này.
Xem thêm: lmth.uac-naot-irt-aig-iouhc-gnort-ioux-cougn/000803/nv.semitnogiaseht.www