Không gian triển lãm “Gốm - Lời thì thầm” của Ngô Trọng Văn, Nguyễn Thị Dũng - Ảnh: HỮU HẠNH
Đây là lần đầu tiên hai nghệ sĩ tổ chức triển lãm cùng nhau, giới thiệu đến công chúng hơn 65 tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân riêng của mỗi người, tạo nên sự tương phản về phong cách nhưng lại đồng thể hiện một tình yêu mãnh liệt dành cho gốm.
Với nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng: "Gốm lúc nào cũng thì thầm vì làm gốm là phải tĩnh lặng, tập trung".
Suốt 20 năm gắn bó với nghề, chị luôn dành hết thời gian mỗi ngày chỉ để làm gốm và luôn không ngừng sáng tạo để thể nghiệm những khám phá mới về kỹ thuật, ý tưởng và men màu.
Tác phẩm “Lời thì thầm” của nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng - Ảnh: HỮU HẠNH
Phong cách gốm của Nguyễn Thị Dũng chính là bản thân chị, mộc mạc, nữ tính và đầy tinh tế.
"Từ nguồn nguyên liệu gần gũi nhất của tự nhiên, Dũng thường sử dụng kỹ thuật chạm hay đắp nổi, thể nghiệm với men màu để mang đến cho người xem những cảm xúc tươi mới, trong trẻo, chia sẻ tình yêu cuộc sống và luôn hướng tới những điều tốt đẹp".
Tương phản với sự nữ tính của vợ, tác phẩm của nghệ sĩ Ngô Trọng Văn mang đến những đường nét mạnh mẽ, gồ ghề đầy trăn trở.
"Tôi thường sử dụng phương pháp khái quát bố cục để chắt lọc hình tượng, kết hợp sự chuyển biến của men màu với lửa sau quá trình nung, tạo nên những ẩn tàng về ý niệm, để mỗi người khi nhìn vào sẽ có những suy tưởng của riêng mình".
Mỗi tác phẩm của anh là một biến tấu bất ngờ, đầy ngẫu hứng, đôi khi vượt khỏi ý tưởng ban đầu. Phần lớn tác phẩm gợi nên những suy tư về sự mong manh, cô đơn của đời sống và những dằn vặt nội tại của con người.
Ba tác phẩm trong bộ tác phẩm “Nguyệt dạ” của nghệ sĩ Ngô Trọng Văn - Ảnh: HỮU HẠNH
Không ồn ào, phô trương, "Gốm - Lời thì thầm" còn ẩn chứa câu chuyện tình yêu đặc biệt của hai vợ chồng nghệ sĩ Dũng - Văn. Hai mươi năm trước, cả hai đều là sinh viên gốm tại Trường Mỹ thuật trang trí Đồng Nai nhưng sau khi ra trường, chỉ có Dũng tiếp tục theo nghề, còn Văn lại chọn bỏ gốm đi làm kinh doanh, thiết kế.
Thấy vợ mỗi ngày đều dành hết thời gian, tâm sức say sưa với gốm, anh Văn đã quyết định gác lại công việc của mình để toàn tâm toàn ý góp sức phụ vợ. Lâu dần, niềm say mê gốm của chị Dũng đã đánh thức tình yêu gốm của anh Văn, khiến anh một lần nữa dấn thân vào theo đuổi đam mê gốm một cách chuyên nghiệp.
Cả hai hiện có một xưởng gốm nhỏ tại Phú Hòa, Bình Dương, dành trọn thời gian để sáng tác gốm.
"Mình với Dũng đã nhiều lần triển lãm nhóm với các nghệ sĩ khác nhưng đây là lần đầu hai vợ chồng tổ chức triển lãm chung với nhau. Cảm giác lo lắng nhiều hơn, hạnh phúc cũng nhiều hơn" - nghệ sĩ Ngô Trọng Văn chia sẻ.
Triển lãm "Gốm - Lời thì thầm" của hai vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng sẽ được trưng bày từ nay đến 21-9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, số 97A Phó Đức Chính, quận 1.
Người xem chiêm ngưỡng nét tinh tế trong tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng - Ảnh: HỮU HẠNH
Cặp bình gốm men “Mơ hoa” và “Mộng dưới hoa”, sáng tạo chung của hai nghệ sĩ - Ảnh: HỮU HẠNH
Tác phẩm “Sau cơn mưa” của nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng - Ảnh: HỮU HẠNH
Nhiều đồng nghiệp đến chúc mừng triển lãm chung đầu tiên của hai nghệ sĩ - Ảnh: HỮU HẠNH
TTO - Họa sĩ Lê Thiết Cương đang hoàn tất dự án của mình: Kinh gốm - kết hợp giữa gốm cổ, kinh Phật và hội họa.
Xem thêm: mth.80804215121900202-gnal-hnit-maht-iht-gnuc-oan-cul-mog/nv.ertiout