Do Mỹ không có công ty thiết bị viễn thông nào mạnh như Huawei, Trung Quốc phải tìm đối tượng khác, đó chính là Apple . Đây là nhận định của Mehdi Hosseini, nhà phân tích của hãng Susquehanna.
Vào tháng 8, Mỹ cấm bất kỳ nhà sản xuất chip nào dùng công nghệ Mỹ cung ứng cho Huawei nếu không xin giấy phép đặc biệt. Lệnh cấm có hiệu lực từ 15/9, đe dọa sự tồn vong của lá cờ đầu công nghệ Trung Quốc. Huawei có thể cạn kiệt chip bán dẫn dùng trong smartphone và thiết bị 5G vào đầu năm 2021.
Trong khi đó, Apple lại ở vị trí dễ bị trả đũa nhất. Khác với các công ty đồng hương bị Trung Quốc cấm cửa, sự hiện diện của “táo khuyết” tại thị trường này vô cùng lớn. Không chỉ là thị trường tiêu thụ khổng lồ, Trung Quốc còn là địa bàn sản xuất trọng điểm của Apple. 75% nhà cung ứng cho Apple mở ít nhất một nhà máy tại đây.
Trung Quốc chưa bao giờ công khai đe dọa như một cách trả đũa Mỹ đàn áp Huawei. Song, truyền thông trong nước và “danh sách cấm vận” trôi nổi từ lâu gợi ý chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tấn công Apple. Trong buổi họp báo ngày 1/6/2019, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã chuẩn bị danh sách các công ty không đáng tin cậy, có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho quyền và lợi ích của doanh nghiệp Trung Quốc. Buổi họp báo được tổ chức chỉ vài ngày sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen Entity List, cấm Huawei mua linh kiện từ Mỹ.
Hơn 1 năm sau, Trung Quốc vẫn chưa công bố danh sách. Dù vậy, vào tháng 5, Thời báo Hoàn cầu gọi tên Apple, Cisco, Qualcomm và Boeing như các “ứng viên” của danh sách tử thần. Sau khi Mỹ thông báo lệnh cấm mới nhất nhằm vào Huawei, Thời báo Hoàn cầu một lần nữa nhắc lại Trung Quốc “sẵn sàng trả đũa” các doanh nghiệp trên nếu Mỹ chặn nguồn cung chip của Huawei.
Trong phát ngôn chính thức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bảo vệ Huawei nhưng không đưa ra lời đe dọa cụ thể nào với Apple hay công ty Mỹ khác. “Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công ty Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Zhao Lijian nói trong họp báo 18/8 sau lệnh cấm của Mỹ.
Dù chính thức hay không, Apple sẽ bị đe dọa nếu Trung Quốc tìm cách trả đũa. Jeffrey Towson, nhà đầu tư tại Bắc Kinh, nhận định “táo khuyết” chắc chắn là mục tiêu được thảo luận. Điểm yếu của Apple là kết quả của việc CEO Tim Cook gửi gắm tất cả vào Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất.
Theo Thời báo Phố Wall, Apple tuyển dụng gần 3 triệu người tại đây, dù trực tiếp hay gián tiếp qua các nhà thầu như Foxconn. Những năm gần đây, sự lệ thuộc ngày một tăng lên. Reuters chỉ ra từ năm 2015 tới 2019, Apple mở nhiều nhà máy tại Trung Quốc hơn mọi địa điểm khác trên thế giới cộng lại. Gần một nửa nguyên liệu của hãng đến từ Trung Quốc.
Dù vậy, Trung Quốc chưa áp dụng biện pháp cực đoan nào để chặt đứt chuỗi cung ứng cho Apple bởi lẽ bản thân nước này cũng không tránh khỏi thương vong. Trung Quốc hoàn toàn có thể cấm Apple lắp ráp điện thoại tại nhà máy Trịnh Châu, nơi làm ra gần một nửa iPhone trên thế giới hay cấm công ty trong nước cung ứng linh kiện cho Apple.
Bất kỳ quyết định nào cũng gây thiệt hại to lớn cho Trung Quốc với tư cách một đối tác đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc xem trọng hệ sinh thái sản xuất công nghệ cao và việc làm mà Apple mang đến đất nước. Đóng cửa nhà máy lắp ráp hay cắt nguồn cung chỉ khuyến khích Apple và doanh nghiệp nước ngoài chuyển sang nơi khác, cản trở nỗ lực củng cố năng lực sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với Apple sẽ an toàn. Trung Quốc còn nhiều công cụ khác để thi triển. Chẳng hạn, họ có thể bổ sung nhiều quy định cấp phép nhà máy hay cửa hàng đối với Apple hoặc kêu gọi người dùng tẩy chay sản phẩm Apple như đã làm với Hyundai năm 2017.
Trong bài viết tháng 5/2019, nhà đầu tư kiêm Chủ tịch hãng nghiên cứu River Twice Zachary Karabell gợi ý Trung Quốc có khả năng siết chặt App Store hơn nữa, buộc Apple phải xóa thêm nhiều ứng dụng hay hạn chế địa điểm Apple được mở Apple Store .
Nếu Mỹ tiếp tục khống chế nguồn cung chip của Huawei, Trung Quốc sẽ tăng cường quy định pháp lý và điều tra hoạt động kinh doanh của Apple tại Trung Quốc, trong đó có điều tra lãnh đạo cao cấp tại công ty. Những biện pháp như vậy sẽ hạn chế khả năng tăng doanh số do làm giảm sức hấp dẫn của iPhone và sản phẩm khác với người dùng trong nước. Hiện tại, iPhone chiếm 8,5% thị trường smartphone Trung Quốc, còn Huawei là 45%. Doanh số iPhone tại đại lục chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu toàn cầu Apple. Quý gần nhất, tỉ lệ là 15%.
Theo ông Towson, Apple cần Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường tiêu dùng năng động nhất thế giới, là cơ sở sản xuất thiết bị điện tử của Apple, là trung tâm toàn cầu về đổi mới trong thiết bị thông minh và ứng dụng di động.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh “dè dặt” trong việc xử lý Apple là công ty luôn làm theo yêu cầu của Bắc Kinh. John Zhang, Giám đốc Trung tâm Wharton China thuộc Đại học Pennsylvania, đặt câu hỏi: “Nếu một công ty phương Tây gương mẫu như vậy không thể sống sót tại Trung Quốc, liệu còn ai có cơ hội”?
Vào tháng 2, Tim Cook cho biết Apple đã xóa hơn 1.000 ứng dụng khỏi App Store theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Trước đó, công ty cũng “vâng lệnh” Trung Quốc xóa ứng dụng New York Times sau khi tờ báo này đăng bài điều tra về quan hệ của Trung Quốc với Foxconn, nhà thầu lớn nhất của Apple.
Ông Zhang dự đoán vào lúc này, Bắc Kinh sẽ không chống lại Apple để trả đũa Mỹ vì giá trị mà Apple cống hiến cho họ. Dù vậy, đình chiến chỉ có thể tiếp tục nếu nhà sản xuất iPhone vẫn ngoan ngoãn trước Bắc Kinh.
Xem thêm: nhc.9412501191900202-elppa-aud-art-oc-couq-gnurt-iewauh-teid-ym-uen/nv.fefac