Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, lãnh đạo NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành ph; các ngân hàng Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam…
Bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, những tháng đầu năm 2020, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh “NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.”
Mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định - đảm bảo chất lượng tín dụng
Trong bối cảnh dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, Chính phủ và Ngân hàng trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn. Trong nước, thị trường được kiểm soát ổn định, lạm phát mục tiêu có khả năng kiểm soát, tuy nhiên tăng trưởng bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 02 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Về điều hành tỷ giá, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù một số giai đoạn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và biến động trên thị trường quốc tế, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tỷ giá USD/VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Theo ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt. Đến ngày 15/9/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019.
Hai tháng đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm (cụ thể cuối tháng 1 tăng 0,01%, cuối tháng 2 tăng 0,2%). “Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019. Đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16/9/2020 tín dụng đã tăng 4,81%” – ông Phạm Chí Quang chia sẻ.
Liên quan đến hoạt động tín dụng, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, NHNN luôn coi trọng cải cách hành chính (CCHC) đảm bảo nguyên tắc trung tâm là tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm (thời gian, chi phí) cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng. Chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của NHNN đạt điểm cao nhất 95.4/100 điểm và lần thứ 5 liên tiếp xếp vị trí thứ 1 về CCHC trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, trái phiếu chính phủ vẫn được các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt; nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm được đáp ứng kịp thời. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, “Ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 3,29%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3%...”
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết thêm, dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Với các ngân hàng, tác động lớn nhất là cầu tín dụng rất thấp. Mặc dù các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp, NHNN cũng nới room cho tất cả các ngân hàng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng, song số lượng khách hàng có nhu vay vẫn rất ít.
Lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN trình bày tại cuộc họp
Để góp phần thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”, tín dụng chính sách, đặc biệt là tín dụng hỗ trợ người nghèo, những đối tượng yếu thế trong xã hội thực hiện chủ yếu qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) luôn được ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Tính đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
Đề cập thêm về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Đầu năm, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên nhu cầu vốn rất thấp. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2019, NHNN sẽ cân nhắc điều chỉnh đối với từng TCTD".
Cũng theo Phó Thống đốc, đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, NHNN luôn theo sát để đảm bảo tín dụng không lâm vào rủi ro và hạn chế thấp nhất gia tăng của nợ xấu. "Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi rất sát những diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ ngân hàng, căn cứ vào đó và sức khoẻ của hệ thống ngân hàng, mức độ thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở những thời điểm khác nhau để quyết định điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất, nếu cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống ngân hàng"- Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Chuyến biến tích cực trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu
Công tác cơ cấu lại các TCTD cũng đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, về cơ bản các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt; năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; chất lượng quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; các TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả; kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Đăng Phi – Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (CQTTGSNH) cho biết: “chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế; hầu hết các TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II.” Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).
Đồng thời, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, khách hàng đã chủ động hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD. Theo đó, tỷ trọng nợ xấu xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 đã xử lý từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến thời điểm 31/12/2019 và 31/5/2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 (22,8%).
Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Trong lĩnh vực thanh toán, theo ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Các ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng; đồng thời, từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực. Hoạt động thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi…
Toàn cảnh cuộc họp
Nhờ đó, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019; qua Internet tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 184,2% và 186,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay khi dịch bệnh xảy ra, NHNN đã chủ động vào cuộc sớm và nắm bắt, chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay. NHNN cũng chỉ đạo Công ty cổ phần chuyển mạch quốc gia (Napas), các TCTD miễn, giảm các phí dịch vụ thanh toán; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, hệ thống các TCTD đã vào cuộc kịp thời, khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng và đạt được những kết quả tích cực. Về hỗ trợ tín dụng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 01): Đến ngày 14/9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 162 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 4.067 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75,2 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 1,4 triệu khách hàng với dư nợ trên 55 nghìn tỷ đồng. Trong việc miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán: Tổng số tiền phí giao dịch thanh toán các TCTD miễn, giảm cho khách hàng qua Napas đến hết năm 2020 khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức thanh toán trực tuyến qua ngân hàng. Tập thể cán bộ công nhân viên chức ngành Ngân hàng dành khoảng 800 tỷ đồng để triển khai các hoạt động an sinh xã hội trên toàn quốc, trong đó dành khoảng 300 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19, mua sinh phẩm chẩn đoán Covid-19.
Bên cạnh đó, phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 7/2020, tập thể cán bộ công nhân viên chức ngành Ngân hàng dành khoảng 800 tỷ đồng để triển khai các hoạt động an sinh xã hội trên toàn quốc, trong đó dành khoảng 300 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống Covid 19, mua sinh phẩm chẩn đoán Covid-19.
Định hướng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng thời gian tới
Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế. Cụ thể:
(i) Điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD hợp lý để ổn định thị trường; Điều hành công cụ tái cấp vốn linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tiền tệ, nhu cầu vốn của TCTD và chủ trương của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh Covid-19;
(ii) Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; đảm bảo ổn định thị trường, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi;
(iii) Chỉ đạo TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cấp tín dụng nhằm hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ;
(iv) Theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Triển khai tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 1058 để làm cơ sở xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025;
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời các câu hỏi của phóng viên báo, đài tại cuộc họp
(v) Tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công...;
(vi) Đẩy mạnh triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng; góp phần thúc đẩy TTKDTM, thúc đẩy tài chính toàn diện.
Trả lời một số câu hỏi của phóng viên về các giải pháp của ngành Ngân hàng để đảm bảo hỗ trợ vốn tín dụng cho nền kinh tế vừa đảm bảo an toán vốn, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, NHNN cam kết sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nguồn vốn, điều tiết thanh khoản hợp lý đáp ứng ngay nhu cầu vay vốn cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện.
Liên quan đến giảm lãi suất điều hành, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Trong thời gian đại dịch Covid-19 có đến 185 lượt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Việt Nam đã thực hiện 4 lượt cắt giảm lãi suất. Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất nếu cần thiết.”
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong những tháng cuối năm 2020, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
VA - MT
Xem thêm: 040414VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www