"Cơ quan điều tra xác nhận có căn cứ xác định lô thuốc sản xuất tại Ấn Độ. Việc đại diện VKS không sử dụng các tài liệu được cơ quan chức năng Ấn Độ, Việt Nam là chưa đảm bảo thực tế khách quan...", bà Nguyễn Minh Hoài, thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế trong chuyến đi Ấn Độ nêu quan điểm.
Tiếp tục phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án tại Công ty VN Pharma sáng 30/9, trước khi các bị cáo nói lời sau cùng, luật sư và đại diện Viện kiểm sát (VKS) tiếp tục có những tranh luận xung quanh việc H-Capita là thuốc giả hay kém chất lượng.
Mở đầu, luật sư bào chữa của bị cáo Phạm Văn Thông khẳng định bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đều có thể đưa tài liệu chứng cứ là đồ vật, hồ sơ, dữ liệu điện tử… liên quan đến vụ án.
Theo ông, Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về dược và đã sang Ấn Độ tìm hiểu tài liệu, chứng cứ vụ án cho Cơ quan điều tra (Bộ Công an) là “thể hiện rõ trách nhiệm”.
Ông cho rằng VKS không công nhận những nguồn tài liệu này trong quá trình xét xử là “dường như đã phủ nhận kết luận của Cơ quan điều tra”.
“VKS ở đâu trong giai đoạn tố tụng điều tra” – luật sư đặt câu hỏi và dẫn ra rằng luật quy định VKS có thể trực tiếp điều hành một số hoạt động điều tra nhằm bổ sung tài liệu trong giai đoạn truy tố.
Tương tự, luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng) nhận định việc VKS không đánh giá những chứng cứ này thể hiện “không làm tròn trách nhiệm”.
“Với những chứng cứ được cung cấp, đúng sai thế nào phải xác minh làm rõ. Chứng cứ đã có trong hồ sơ, cho đến khi ra cáo trạng là gần 1 năm mà VKS không làm rõ là quá chậm. Có lẽ vì thế VKS mới cho rằng Bộ Y tế lấy kết quả trong 4 ngày là quá nhanh” – luật sư Hưng nói.
Cũng có mặt sáng nay, bà Nguyễn Minh Hoài cho biết mình là người của Cục quản lý Dược và từng có mặt trong đoàn công tác của Bộ Y tế sang Ấn Độ. Bà Hoài bày tỏ ý kiến muốn trình bày rõ thêm về nguồn gốc lô thuốc H-Capita.
Theo bà Hoài, trước khi sang Ấn Độ, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi phía bạn đề nghị cơ quan quản lý dược xác minh và nhà máy cung cấp hồ sơ.
Khi đến nơi, đoàn làm việc trực tiếp để kiểm tra và thu thập tài liệu liên quan đến lô thuốc. Những tài liệu này sau đó đã được 4 cơ quan quản lý nhà nước của Ấn Độ xác nhận gồm: Cục quản lý Dược, Phòng thương mại, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
“Cơ quan điều tra xác nhận có căn cứ xác định lô thuốc sản xuất tại Ấn Độ. Việc đại diện VKS không sử dụng các tài liệu được cơ quan chức năng Ấn Độ, Việt Nam là chưa đảm bảo thực tế khách quan. Đề nghị HĐXX xem xét các tài liệu này khách quan để làm rõ bản chất sự việc” – bà Hoài nói.
Về chất lượng lô thuốc H-Capita, bà Hoài khẳng định đạt tiêu chuẩn khi xuất xưởng. Bà Hoài cho hay, Bộ Y tế và các cơ quan kiểm nghiệm thuốc đã kiểm tra và xác định đây là thuốc kém chất lượng, vì vậy nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ, nhãn mác giả để kết luận đây là thuốc giả là không đúng quy định tại Luật Dược 2005.
Đáp lại, đại diện VKS khẳng định trong những lần đối đáp vừa qua đã có nhiều đánh giá, phân tích để làm rõ đây là thuốc giả. “Đó là những lập luận có căn cứ pháp luật nên chúng tôi sẽ không trình bày lại” – đại diện VKS nói.
Đại diện VKS nhấn mạnh quan điểm thuốc chữa bệnh cho người là hàng hóa đặc biệt nên cần những quy định khắt khe, yêu cầu chất lượng rất cao và khác hẳn các hàng hóa thông thường.
“Nếu là giày dép, quần áo thì ít nhiều vẫn có giá trị sử dụng nếu không phải hàng thật; nhưng nếu là thuốc thì tuyệt đối không thể sử dụng để chữa bệnh” – VKS phản bác ý kiến của bà Hoài và các luật sư.
Cũng theo vị đại diện VKS, trong phần tranh luận, đã từng có ý kiến về cách phát ngôn không đúng chuẩn mực tại phiên tòa của một số luật sư, nhưng điều này vẫn lặp lại trong sáng 30/9. Bà cho rằng những phát ngôn này là “không tôn trọng HĐXX và Kiểm sát viên, do vậy sẽ có kiến nghị với Đoàn Luật sư xem xét về tư cách luật sư này”.