Ngày 01/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp .
Cũng như nhiều lần cảnh báo thời gian qua, công văn trên của Bộ Tài chính nêu rõ: thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các đầu mối trên nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường TPDN; trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành TPDN riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.
Cùng đó, các đầu mối trên tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất; tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành TPDN.
Cùng thời điểm, một số đầu mối đại diện các bên tham gia thị trường có ý kiến gửi về Ngân hàng Nhà nước (NHNN), về một dự thảo có hướng siết lại quy định rót vốn vào lĩnh vực này của các ngân hàng thương mại (NHTM).
NHIỀU ĐIỀU CẤM ĐỐI VỚI CÁC NHTM
Từ trong năm 2020, NHNN đã có dự thảo thông tư quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Theo phản ánh từ một hiệp hội ngành nghề, dự thảo mới vẫn giữ nguyên nhiều hướng dự kiến quy định như đề ra trong năm 2020 dù đã có các ý kiến đóng góp, thậm chí bổ sung thêm nhiều điều khoản khác chặt chẽ hơn so với dự thảo trước đây.
Tựu trung, NHNN hướng đến việc siết lại quy định các TCTD rót vốn vào lĩnh vực này, với dự kiến có nhiều điều cấm thực hiện.
Cụ thể như, các TCTD không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua trái phiếu doanh nghiệp.
TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính thời điểm gần nhất đã được kiểm toán tại thời điểm mua, trừ trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
TCTD chỉ được mua, bán trái phiếu doanh nghiệp khi đáp ứng các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.
TCTD không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm quyết định phê duyệt mua.
TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt…
VẪN CẤM NHỮNG ĐIỂM LUẬT KHÔNG CẤM?
Đại diện cho các TCTD, trên cơ sở lấy ý kiến các hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng vừa có văn bản góp ý gửi về NHNN, nêu quan điểm với hầu hết các quy định dự kiến nói trên.
Như với quy định TCTD không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua TPDN, VNBA cho rằng Luật các TCTD không cấm hoạt động này, nên không có sơ sở để đưa ra điều cấm như trên. Và việc đưa ra điều cấm này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc xây dựng pháp luật.
Theo VNBA, các TCTD huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm nguồn vốn từ dân cư, tổ chức và các định chế tài chính (bao gồm TCTD khác) và thực hiện quản lý vốn tập trung. Nguồn vốn tập trung được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như đầu tư, cho vay, trả nợ đến hạn... và không tách riêng nguồn hình thành vốn khi sử dụng.
"Vì vậy, TCTD không có căn cứ để xác định nguồn vốn sử dụng để mua TPDN được hình thành từ nguồn nào. Do đó, đề nghị bỏ nội dung này do không phù hợp với hoạt động quản lý vốn của TCTD", VNBA kiến nghị.
Ở điểm quy định giới hạn tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua TPDN, tổ chức đại diện các TCTD cũng đề nghị xem xét không áp dụng đối với các công ty tài chính tổng hợp, bởi đặc thù của nhóm này thường có tỷ lệ nợ xấu cao.
Với quy định TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành, VNBA đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn thế nào là "mục đích cơ cấu lại các khoản nợ" do hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào có định nghĩa về vấn đề này. Trong thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro… chỉ có định nghĩa về nợ cơ cấu thời hạn trả nợ.
Với quy định TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, VNBA cho rằng "mục đích trái phiếu để mua cổ phần, phần vốn góp là các mục đích không bị pháp luật cấm, cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng, do đó không có cơ sở để cấm các TCTD thực hiện mua trái phiếu với mục đích này". Vì vậy, VNBA cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định này.
Ngoài ra, VNBA có ý kiến với nhiều điểm nội dung khác trong dự thảo của NHNN và đề nghị xem xét lại.
Cùng với VNBA, ngày 01/9, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết cũng đã tập hợp các ý kiến tham gia của các thành viên đối với dự thảo trên và có văn bản góp ý cụ thể gửi về NHNN.
Theo VBMA, dự thảo thông tư này nếu được ban hành sẽ có rất nhiều tác động tới hoạt động đầu tư TPDN của các TCTD nói riêng và thị trường TPDN nói chung.
Cũng theo báo cáo của VBMA, tổng giá trị TPDN phát hành thành công trong năm 2020 là 368 nghìn tỷ, tăng 24% so với năm 2019. Tốc độ tăng trưởng cao tiếp tục thể hiện trong 7 tháng đầu năm 2021, khi tổng giá trị đã đạt 235.094 tỷ đồng, tăng tới 35,8% so với cùng kỳ 2020.
Lam Giang
Nhịp sống doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.41370110120901202-peihgn-hnaod-ueihp-iart-oav-nov-tor-gnah-nagn-hnid-yuq-teis/nv.zibefac