Hết bệnh, anh Bửu tình nguyện ở lại BV chăm mẹ và giúp các bệnh nhân khác - Ảnh: CẨM NƯƠNG
"Mẹ ngồi tựa vào đây, uống chầm chậm không thôi sặc đó!" - anh Bửu đỡ mẹ ngồi dậy, ghim ống hút vào lon nước yến nhỏ, nhẹ nhàng đút cho mẹ mình. Trên chiếc giường bệnh đặt ở hành lang bệnh viện, bà Cúc đang thở oxy qua cannula, miệng nhấp từng chút nước, mỉm cười nhìn cậu con trai út.
7 người nhiễm, 3 người nặng, 1 người mất
Trong khu điều trị COVID-19 tại Bệnh viện (BV) TP Thủ Đức (TP.HCM), sau khi đút nước và đỡ mẹ nằm xuống, anh Mạc Trạch Bửu (ngụ phường Linh Tây, TP Thủ Đức) lại sang giường kế bên kiểm tra bình oxy cho bệnh nhân khác.
Nhìn anh Bửu tất bật như thế, ít ai nghĩ cách đây một tháng, anh từng là bệnh nhân COVID-19. Ngoài anh còn có 6 người thân ruột thịt chung nhà nhiễm bệnh, dù chẳng ai có bệnh nền, gồm mẹ, hai chị, một anh trai, người cô và người bác của anh. Trong đó, anh Bửu, mẹ và chị ba trở nặng do suy hô hấp.
"Nguồn lây có thể do mẹ tôi thường đi chợ mua thực phẩm" - anh nói. Ban đầu, khi vài người trong nhà có dấu hiệu của COVID-19 như ho, sốt, khó thở, cả gia đình đã thực hiện test nhanh và kết quả: dương tính.
Ngày 5-8, bà Lâm Kim Cúc, 61 tuổi, mẹ anh Bửu, suy hô hấp và được chuyển vào BV TP Thủ Đức. Hôm sau, đến lượt anh Bửu cùng chị ruột tên Hoa cũng bắt đầu suy hô hấp nặng, được chuyển đến cùng BV với mẹ. Những người thân còn lại do không triệu chứng hoặc nhẹ nên điều trị tại nhà.
Mẹ anh Bửu được chuyển vào lầu 4 trong tình trạng nặng phải thở máy. Còn anh và người chị nằm ở lầu 5, sử dụng râu oxy để hỗ trợ hô hấp. "Trong BV, tôi hay khó thở khi ăn uống và đau nhức khi di chuyển cơ thể ngồi dậy, nằm xuống.
Những lúc khó thở cực độ, tôi nghĩ chắc bản thân sẽ không qua khỏi. Nhưng được cô chú cùng phòng bệnh động viên, tâm trạng cũng tốt hơn" - anh cho biết. Nằm trong phòng bệnh, hay tin mẹ trở nặng, chị Hoa xin bác sĩ cho mẹ lên lầu 5 để chị em tiện theo dõi, chăm sóc.
"Lúc đó, tôi vẫn còn thở oxy, khi mẹ chuyển lên cùng phòng thì tôi tập cai oxy rồi vào chăm mẹ luôn" - chàng trai từng làm công việc bán cà phê tại nhà kể thêm một ngày sau khi mẹ chuyển lên, tới lượt chị Hoa trở nặng. Anh Bửu trở thành người chăm sóc mẹ và chị, khi sức khỏe anh dần hồi phục.
Anh Bửu tận tình chăm sóc bệnh nhân khác ở BV TP Thủ Đức - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Chị tôi lạc quan lắm, thế mà!
Chùng giọng nén nỗi đau, anh Bửu nhớ những ngày chị Hoa phải thở máy, chị rất sợ mỗi lần hạ SpO2. "Chị nắm tay kêu tôi ở lại bên giường bệnh, dù đang khó thở từng cơn, chị vẫn không kêu la tiếng nào, mệt cũng cố cười với tôi. Khi ấy tôi chỉ mong mình là người chịu đựng cơn đau thay chị.
Chị tôi lạc quan lắm, lúc nào cũng cố gắng giành giật sự sống. Những ngày đó, câu mà tôi nói nhiều nhất với chị là: "Chị yên tâm, không sao đâu, tình hình đang rất tốt, em hỏi bác sĩ rồi". Nói vậy để an ủi thôi, chứ lúc đó tôi cũng ngờ ngợ tình hình xấu rồi" - anh Bửu nghẹn ngào kể, rồi mở ảnh chụp chị mình rất lạc quan trong những ngày ở viện cho chúng tôi xem.
Ngày thứ 16 nằm viện, tình trạng chị Hoa càng tệ hơn. Lúc chỉ số SpO2 của chị chỉ còn khoảng 50, bác sĩ chuyển chị xuống phòng nong khí quản.
"Khi chuyển xuống tầng 3 thực hiện bước can thiệp y tế này thì tình trạng chị đã rất nặng. Nhưng tôi và mẹ đều nghĩ còn nước còn tát, mong phép mầu xảy ra với chị" - anh Bửu xúc động nhớ lại.
Trước khi chuyển xuống căn phòng quyết định sinh - tử ấy, chị Hoa nắm tay em trai, gật đầu khi nghe em động viên: "Không sao đâu chị, cố lên, mạnh mẽ lên". Anh Bửu đâu ngờ đó là giây phút trò chuyện cuối cùng với chị gái mình.
Khi chị Hoa được chuyển đi, hai tiếng sau thì anh Bửu nhận được cuộc gọi từ bác sĩ báo tin người chị mới 34 tuổi của mình đã không qua khỏi...
Theo sát chị và mẹ những ngày trước đó, nhìn tình trạng của chị Hoa, anh cũng lường trước điều xấu nhất, nhưng vẫn hết sức đau đớn khi chị mình đã chẳng thể chiến thắng bệnh tật.
"Tôi và mẹ đau buồn lắm. Nhưng mẹ cũng đang bệnh nặng, rất cần sự chăm sóc của tôi. Nếu mình gục ngã lúc này thì mẹ biết trông vào ai, nên bản thân đã cố bình tĩnh lại để lo tiếp cho mẹ" - anh Bửu trải lòng.
Sau khi chị mất, tro cốt được lực lượng quân đội mang đi hỏa táng và gửi về cho gia đình. Lúc này, những người thân còn lại trong nhà sức khỏe đã ổn định, tuân thủ các phương pháp điều trị của y tế và đến nay đều âm tính.
Xin ở lại bệnh viện để giúp người
Anh Bửu được xuất viện ngày 19-8, nhưng anh chọn ở lại BV chăm sóc mẹ và làm tình nguyện viên hỗ trợ BV chăm sóc các bệnh nhân khác, như anh nói là để trả ơn y bác sĩ đã tận tình điều trị cho anh và gia đình.
Hằng ngày, người con trai 25 tuổi này đút mẹ ăn uống, lau mình, thay tã cho mẹ, nấu nước nóng để sẵn. Anh cũng kề bên động viên, nói những câu lạc quan và báo tin bình an từ người thân ở nhà để mẹ đỡ lo.
Còn với việc tình nguyện viên, mỗi bữa anh Bửu đi xung quanh các phòng để hỗ trợ bệnh nhân, phát cơm cho từng phòng hoặc một số việc lặt vặt khác.
Anh cho biết đa số những người nằm ở đây đều lớn tuổi, có bệnh nền, có những người đã mất kiểm soát, rất cần sự trợ giúp, kể cả về tâm lý. Mỗi khi chăm sóc các cô chú cao tuổi, họ thường lo lắng, hoang mang, có người bỏ ăn, bỏ uống. Cách tôi hay làm là chia sẻ câu chuyện của nhà mình để khuyên nhủ, động viên họ.
Có thể từ những chia sẻ động viên đó mà họ cũng thấy ấm lòng hơn, cố gắng ăn uống để nhanh trở về nhà. Chàng trai cho hay vấn đề nào ngoài khả năng, không thể tự hỗ trợ, anh gọi bác sĩ, điều dưỡng đến giúp bệnh nhân.
Hơn 10 ngày tham gia tình nguyện, anh Bửu tâm sự đôi lúc cũng mỏi mệt, song anh không dám nghỉ ngơi nhiều vì sợ khi mẹ và mọi người cần hỗ trợ sẽ không có mặt kịp thời. Chỗ ngủ của anh cũng đặt kế giường bệnh của mẹ để túc trực, dễ quan sát bệnh tình.
Hiện tình trạng của mẹ anh Bửu đã tốt hơn. Bà đang cai râu oxy, có thể ăn cháo, uống sữa, nước yến và nói chuyện, dù giọng còn yếu. Bà Cúc nhỏ nhẹ khoe với chúng tôi: "Tôi thấy khỏe hơn rồi. Con trai út của tôi chăm sóc tôi chu đáo lắm.
Ở đây mọi thứ một tay nó lo hết, ai cũng thương. Từ nhỏ tới lớn nó chỉ đi học thôi, vậy mà giờ tôi bệnh thì cái gì cũng vô làm được, sạch sẽ từ đút ăn uống, lau mình tới đổ bô rồi sát trùng bô cho mẹ. Có nó chăm sóc mỗi bữa nên tôi vui lắm, khỏe lắm, chắc là mau xuất viện thôi" - bà Cúc nói.
Anh Bửu cho biết đợi sau khi mẹ xuất viện, anh sẽ về nhà thắp cho chị mình nén nhang, sau đó tiếp tục trở lại BV để chăm sóc cho các bệnh nhân khác.
Những ngày hỗ trợ công việc tại BV, anh Bửu chỉ dành cho bản thân khoảng thời gian từ 12h khuya đến 4h sáng để nghỉ ngơi. Lúc nào đuối sức, anh ngồi một góc nhìn ra khoảng không phía chân trời. Anh đau lòng nhớ người chị đã đi xa. Nhưng ngoái đầu nhìn mẹ đang trên giường bệnh, anh biết mình không thể gục ngã lúc này...
Tình nguyện viên đặc biệt
Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Châu Hoàng Sinh - trưởng khoa COVID-19 tổng hợp 2 thuộc BV TP Thủ Đức - cho biết đến thời điểm này, thật sự đội ngũ y tế đã mệt mỏi, do đó sự hỗ trợ của các tình nguyện viên là điều vô cùng quý giá.
"Anh Bửu là một tình nguyện viên đặc biệt, hỗ trợ y bác sĩ ngay từ lúc còn đang điều trị bệnh. Khi được cho xuất viện, anh không về nhà mà tiếp tục đăng ký ở lại giúp đội ngũ y tế. Anh nén nỗi đau mất người thân để vững tâm chăm sóc những người còn lại, chúng tôi vô cùng trân quý sự đóng góp này" - bác sĩ Sinh chia sẻ.
-----------------------------
Thanh Trúc đã viết những dòng chữ xúc động trên nhóm "Bác sĩ tư vấn F0 tại nhà", để gửi lời cảm ơn bác sĩ mà cô chưa một lần gặp mặt.
Kỳ tới: Vợ chồng chị tôi đã thắng COVID tại nhà
TTO - Dù đã chích 2 mũi vắc xin được một tháng, gia đình Nam Kha, 26 tuổi ở quận Tân Bình, TP.HCM, vẫn nhận "combo F0" với gần hết gia đình dương tính COVID-19.