Một buổi làm quen trên nền tảng trực tuyến của giáo viên và học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (Hà Nội), đây sẽ là hình thức dạy học áp dụng ngay đầu năm học ở nhiều địa phương để khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh: K.Đ
Trong thư, Chủ tịch nước viết: Đợt dịch bùng phát lần thứ tư, nhiều học sinh, sinh viên đã phải trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách.
Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu điều kiện, phương tiện để học trực tuyến.
Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung, do vậy đã bị ngắt quãng việc học.
"Giáo dục của chúng ta đang đối diện với thử thách hết sức to lớn do đại dịch COVID-19 diễn ra khắp toàn cầu. Nhưng hơn lúc nào hết, tôi tin tưởng ngành giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống thi đua, vượt lên khó khăn, học tập và rèn luyện thật tốt như lời Bác dạy năm xưa", Chủ tịch nước bày tỏ sự tin tưởng.
Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục, cùng các ngành, các cấp lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa với các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa.
Và hơn bao giờ hết, toàn xã hội cùng cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động với ngành giáo dục vì tương lai đất nước, vì tương lai con em chúng ta.
Lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm dùi mài kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt ngàn năm văn hiến.
Chủ tịch nước NGUYỄN XUÂN PHÚC
"Bước vào năm học mới 2021-2022, tôi mong muốn ngành giáo dục tiếp tục "tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài" như nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Xây dựng, triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, vừa hoàn thành chương trình giáo dục được thiết kế phù hợp với môi trường số hóa và thích ứng với mọi diễn biến dịch bệnh.
Toàn ngành giáo dục, các bậc phụ huynh luôn chăm lo, nhắc nhở các em học sinh, sinh viên, đồng thời mỗi người phải là tấm gương cho con trẻ noi theo trong công tác phòng chống dịch, các ngành, các cấp cùng 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cần đảm bảo thực hiện an toàn, đầy đủ và hiệu quả việc tiêm chủng vắc xin và 5K" - Chủ tịch nước viết trong thư.
Theo truyền thống, lá thư của Chủ tịch nước sẽ được các nhà trường đọc cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong lễ khai giảng năm học mới. Và năm học đặc biệt này, nhiều địa phương sẽ tổ chức lễ khai giảng chung bằng hình thức trực tuyến.
Thầy, trò các nhà trường sẽ nghe đọc thư Chủ tịch nước trên sóng truyền hình trực tiếp và trên các nền tảng trực tuyến.
TTO - Đắk Nông chia ngày tựu trường thành 2 buổi sáng và chiều. Cần Thơ khai giảng online. Hà Tĩnh yêu cầu chưa dạy học trực tuyến đối với hệ mầm non và tiểu học.