Ảnh: NHÃ LINH
Những mảnh ghép này có thể rời nhưng không hề vụn. Ngược lại rất tinh xảo vì được đúc từ "miếu đền ký ức", từ bàn tay nghệ thuật của cảm xúc và tư liệu: vừa chính xác mà sinh động, vừa cụ thể mà hấp dẫn, đôi chỗ có góc có cạnh cùng tiếng cười nhẹ tênh trong sự kết nối xưa - nay.
Có mảnh ghép như những video clip bằng lời mô tả khung cảnh một tiệm chạp phô bừa bộn của một bà xẩm nghèo trong xóm nhỏ; một bữa nhậu "mẫu mực" của cười nói không dứt, trộn chữ nghĩa với bia bọt của giới nghệ sĩ Sài thành; một khu chợ sáng bán thượng vàng hạ cám, tối chơi thượng cám hạ vàng ngay giữa trung tâm quận nhứt; một ảnh viện chụp hình với đủ thứ phông màn, cảnh trí cho những đôi lứa, những bạn bè, những gia đình muốn ghi lại một khoảnh khắc thời trắng đen có thể tô màu...
Có mảnh ghép như những audio book hướng dẫn chi tiết cho đời sau học cách "người xưa" lượm lông gà, lông vịt để dành đổi lấy mấy miếng bánh tráng trộn mạch nha; cách tự làm ra đủ loại đèn trung thu từ giấy pơluya, giấy bóng kiếng đến lon sữa bò; cách sưu tập tem, sưu tập hình ảnh súng ống, máy bay cho đến sưu tập các tờ "rồ ram" quảng cáo phim ảnh, quảng cáo cải lương; cách ép nhựa dẻo, nhựa trong cho các loại giấy tờ, bằng cấp với cái bàn ủi con gà đốt nóng bằng than; cách làm những tấm thiệp bằng tay với giấy, với màu, với hồ dán và kim tuyến rắc lấp lánh trong mùa "Nuôi em"...
Có mảnh ghép như những file PDF ghi lại những gì khó thể diễn tả cho hết, cho thấu bằng chữ về chuyện của những người mẹ một mình bươn chải suốt mùa tết cho cả gia đình; về chuyện người ta dạy nhau ứng xử, lễ nghĩa từ cuốn sách học vần, giờ học trên lớp đến lời nhắc bên bàn ăn; về chuyện Dạ lữ viện được lập ra cho những người không nhà không cửa trú ngụ qua đêm trong cuộc tìm kiếm cơ hội mưu sinh giữa đô thành hoa lệ; về chuyện các tờ báo, tạp chí thi nhau lập các bút nhóm, các thi văn đoàn với những cái tên rất kêu và bút danh của các cây bút tuổi mới lớn vừa kêu và vừa lạ...
Những mảnh ghép ấy, đến lượt mình, cùng góp sức gọi ra hồn vía của Sài Gòn, không bằng các mệnh đề khái quát mà khơi gợi từ tâm trí người đọc những giá trị bền lâu. Hồn vía ấy được dựng nên từ cách người Sài Gòn học hành, ăn uống, sinh hoạt, mua sắm, vui chơi, lễ tết, làm ăn, chơi chữ, viết lách...; từ cách xứ Sài Gòn đặt tên đường, tạo nên phố, dựng trường học, làm tạp chí, mở văn đàn, lập gánh hát, thi quảng cáo, đi tranh đấu...; từ những tên tuổi trí thức, văn nhân, nghệ sĩ gắn với Sài Gòn, làm ra Sài Gòn bằng thơ, bằng tranh, bằng sách, bằng truyện, bằng phim ảnh, bằng tuồng tích, bằng tiếng hát lời ca, bằng đối nhân xử thế...
Tất cả hòa quyện, nối kết thành dòng, thành mạch làm nên khí chất, nên sắc màu, nên cốt cách chảy mãi theo con đường một chiều của thời gian, như chính lời của người trong cuộc: "Thời gian chậm rãi trôi đi mang theo những bóng dáng yêu thương ngụt trời của ký ức. Hãy tìm một chút mảnh ghép rời của Sài Gòn ngày xưa - để nhớ lại hồn Sài Gòn của một tuổi thơ tôi".
Bộ sách viết về Sài Gòn của nhà văn Lê Văn Nghĩa gồm 4 truyện dài đi cùng với hồi ức về một thời niên thiếu và 5 tập tạp bút - biên khảo gắn liền với ký ức về một thời "hòn ngọc Viễn Đông" với 7/9 cuốn do NXB Trẻ ấn hành và 2 cuốn do NXB Kim Đồng và NXB Tổng Hợp TP.HCM xuất bản.
4 truyện dài: Mùa hè năm Petrus (2010), Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (2014), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020).
5 tập tạp bút - biên khảo: Sài Gòn dòng sông tuổi thơ (2016), Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (2018), Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2020), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (2020), Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức (2021).
TTO - Tác giả Bùi Quang Lâm vừa ra mắt quyển tự truyện thứ hai: Sài Gòn mưa nắng, kể những chuyện xung quanh cuộc đời chìm nổi của anh và bè bạn, vậy mà hiện ra nhiều mặt khuất của Sài Gòn thật kỳ lạ và xúc động ngậm ngùi...
Xem thêm: mth.96000430260901202-aihgn-nav-el-nav-ahn-auc-gnuc-iouc-hcas-nouc/nv.ertiout