Người dân trồng hồng ở xã Gia Thanh (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) đang phải loay hoay tìm cách tiêu thụ khi năm nay hồng mất mùa, sụt giá mạnh. Đây vốn là thứ quả nổi tiếng của địa phương này được người dùng ưa chuộng nhưng cũng đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.
Hồng “treo cành” chờ người mua
Theo ghi nhận của PV, khác với cảnh tấp nập thương lái đến tìm mua hồng Gia Thanh như các năm trước, vụ mùa năm nay không được như kỳ vọng vì hồng mất mùa, giá bán giảm.
Ông Nguyễn Văn Long - chủ vườn hồng hơn 70 gốc tại khu 1, xã Gia Thanh cho hay, hồng chín rụng ngày càng nhiều trong khi thương lái chỉ thu mua nhỏ lẻ. Hơn thế, giá hồng giảm mạnh, hiện chỉ dao động từ 10.000 - 30.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Đến nay, có rất ít lái buôn đặt hợp đồng để mua tại vườn khiến gia đình ông lo lắng trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
“Năm ngoái gia đình tôi thu hoạch được hơn chục tấn hồng, nhưng năm nay bòn cả vườn cũng chỉ được 3 tấn. Thời điểm này mọi năm, các lái buôn từ Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Nguyên... đều tìm về đến tận xã để đặt hàng thu gom. Nhưng năm nay dịch bệnh khiến khâu vận chuyển khó khăn, tiêu thụ hầu như chỉ diễn ra trong tỉnh" - ông Long nói.
Trong khi đó, chị Giang Thị Khuyên - một chủ vườn hồng khác cho biết thêm, nếu như giá bán năm ngoái cho các lái buôn từ 40.000 - 50.000 đồng/kg thì năm nay loại quả đẹp, đã được chọn lọc cũng chỉ có giá 30.000 đồng/kg.
Hơn nữa, các hộ trồng hồng còn phải chịu phí vận chuyển từ 300.000 - 500.000 đồng/tạ tùy vào cân nặng và địa điểm nhận hàng.
Theo một lái buôn ở tỉnh Yên Bái cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, việc sang các nhà vườn mua hồng ở thời điểm này gặp nhiều trở ngại.
"Nếu muốn sang tận vườn chọn quả phải tiến hành xét nghiệm. Xe khách thì không hoạt động, gửi xe ghép chi phí vận chuyển quá cao, ít thì vài trăm, nhiều thì có khi lên tới cả triệu đồng” - lái buôn này nói.
Tìm lối ra để tiêu thụ
Trao đổi với PV Lao Động, ông Hán Xuân Đang - Bí thư xã Gia Thanh (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) cho biết, toàn xã hiện có khoảng 70ha diện tích hồng Gia Thanh, trong đó gần 50ha đang cho thu hoạch. Mỗi hộ ít có 50 cây, hộ nhiều có từ 70 đến hơn 100 cây, thậm chí có hộ tới hơn 200 cây.
Tuy nhiên, hồng năm nay mất mùa. Nếu như năm trước, sản lượng toàn xã ước đạt gần 450 tấn hồng thì nay chỉ khoảng hơn 250 tấn, giảm 44,4%.
Theo đại diện lãnh đạo xã Gia Thanh, việc hồng mất mùa và rớt giá ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân. Bởi đặc thù của xã phần lớn làm nông nghiệp, hồng là cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.
Theo cơ quan chức năng của xã Gia Thanh, nguyên nhân khiến đặc sản hồng Gia Thanh sụt giá mạnh do tác động của dịch COVID-19 khiến việc đi lại của tiểu thương gặp nhiều hạn chế.
Ngoài ra, hồng có đặc điểm chín đồng loạt nếu không kịp bảo quản, chế biến sẽ rất mau hỏng và thương lái dễ dàng ép giá người trồng. Trong khi đó, các hộ dân tại xã không có kho đông lạnh cũng như không biết cách bảo quản được sản phẩm được lâu. Đáng chú ý, Phú Thọ cũng chưa có nhà máy chế biến hồng khô số lượng lớn mà chỉ có các cơ sở nhỏ lẻ.
Để khắc phục tình trạng ứ đọng hàng, hiện xã Gia Thanh đang hoàn thiện mô hình đạt tiêu chuẩn để đưa hồng vào các siêu thị, các điểm bình ổn giá, ưu tiên các phương tiện vận chuyển, lưu thông. Đặc biệt là giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử.
Cũng theo lãnh đạo xã Gia Thanh, để tránh các trường hợp giả mạo xuất xứ, ảnh hưởng đến thương hiệu loại quả này của địa phương, chính quyền xã đã hoàn thành chứng nhận cho sản phẩm với tem nhãn riêng. Người tiêu dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về giống hồng, tên hộ trồng thông qua tem truy xuất nguồn gốc.
Xem thêm: odl.481159-uht-ueit-hcac-mit-yaoh-yaol-nad-gnon-aig-tus-oht-uhp-gnoh-auv/et-hnik/nv.gnodoal