GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có buổi làm việc, trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia của các Hội đồng khoa học để bàn về các giải pháp phòng chống dịch cho năm 2022. Trong đó tập trung vào các vấn đề vaccine, xét nghiệm, điều trị và ưu tiên tăng cường hệ thống đáp ứng y tế của Quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam trải qua gần 2 năm "đương đầu" với cuộc chiến chống Covid-19, ngành y tế đã huy động tổng lực nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và nỗ lực trên mọi mặt trận để phòng chống dịch, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4.
Diễn biến dịch hiện nay ở các điểm nóng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đang có xu hướng giảm. Đối với TP. Hà Nội, đang triển khai quyết liệt "2 mũi giáp công" là tiêm chủng và xét nghiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng, chống dịch cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Từ đó định hình hướng đi, chiến lược chống dịch của Quốc gia trên cơ sở tổng kết, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong suốt thời gian qua.
"Chiến lược này là tổng thể các giải pháp từ nâng cao năng lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở, y tế dự phòng và những vấn đề liên quan khác mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, vaccine, thuốc… trong phòng, chống dịch", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học của các Hội đồng khoa học tập trung những vấn đề chung trong công tác phòng chống dịch như xét nghiệm, điều trị, vaccine, bao gồm cả việc tiếp cận các nguồn vaccine bên ngoài cũng như nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước.
Trước một số ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về việc cần tiếp tục quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 9/9 Bộ đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt là chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung; các phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 11/9, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ mắc Covid-19 trong cộng đồng trong tuần (từ ngày 5 - 11/9) đã giảm so với tuần trước, tại một số địa phương như Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương 27% và Long An 3%.
Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP.HCM giảm 30%, Đồng Nai 50%, Long An 30% và Tiền Giang 70%.
Nhóm 1 (đang kiểm soát tốt dịch bệnh) có 8/23 địa phương: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.
Nhóm 2 (đang tiếp tục lộ trình đạt các tiêu chí kiểm soát dịch) gồm 12/23 địa phương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhóm 3 (cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch) có 3/23 địa phương: TP.HCM, Bình Dương và Kiên Giang.
Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, tại TP.HCM tình hình dịch bệnh đã giảm rõ rệt cả 2 tiêu chí: F0 trong cộng đồng và số ca tử vong (giảm 30%). Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong.
Tại Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong tiếp tục giảm. Trong khi đó, Hà Nội vẫn ghi nhận một số ca mắc mới, chùm ca bệnh rải rác trong cộng đồng, không rõ nguồn lây. Do đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để phát hiện sớm các F0.
MINH NHÂN
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ
Xem thêm: nhc.53445321131901202-2202-man-91-divoc-hcid-gnohc-gnohp-coul-neihc-ib-nauhc-poh-et-y-ob/nv.zibefac