Sinh viên Đồng Ngọc Hà
Trong số này, Đồng Ngọc Hà - tân sinh viên lớp tài năng sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - là một đại diện từ Việt Nam khi vượt qua khoảng 3.500 ứng viên từ 94 quốc gia trên thế giới. Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với Đồng Ngọc Hà.
Tôi nghĩ bản chất của việc học là tận hưởng vẻ đẹp của kiến thức. Đó cũng là động lực để mọi người học những thứ khác nữa.
Đồng Ngọc Hà
* Chào Ngọc Hà, đâu là lý do đưa bạn đến top 50 sinh viên xuất sắc toàn cầu?
- Tôi nghĩ có rất nhiều bạn cũng tài năng và có những câu chuyện phi thường truyền cảm hứng. Bản thân tôi lúc đầu không nghĩ mình sẽ đoạt giải thưởng này. Tôi đã kể câu chuyện của mình, những điều mình suy nghĩ bằng sự chân thành nhất.
Tôi và cô Sona Patel - quản lý của giải thưởng - đã có một cuộc nói chuyện rất dài và cởi mở. Tôi thuyết phục cô bằng lý tưởng của mình rằng những việc tôi làm không có quy tắc nhất định. Nhưng nó đều đi theo một mục tiêu chung là ở trong một cộng đồng nào đấy, mình không để lại bất kỳ một ai xung quanh mình ở phía sau cả.
Trưởng thành không chỉ là học thêm và đi xa hơn mà còn phải nhìn sang xung quanh để biết người quanh mình cần gì, đồng hành với họ chứ không phải chỉ chăm chăm tiến về phía trước mà bỏ lại mọi người phía sau. Tôi nghĩ họ cảm nhận được suy nghĩ của mình.
*Bạn có thể chia sẻ về dự án của mình và điều gì thúc giục bạn thực hiện dự án đó?
- Hiện tại tôi cùng các cộng sự thực hiện dự án Biology for all (BFAVN) - dự án phi lợi nhuận tại Việt Nam cam kết đem tới những cơ hội học tập chất lượng dành cho các học sinh giỏi.
Dự án này xuất phát từ câu chuyện của tôi cũng như những người bạn xung quanh mình. Bản thân tôi là một học sinh chuyên lý nhưng lại chuyển sang thi học sinh giỏi môn sinh học. Những ngày đầu tiên rẽ ngang, tôi rất hoang mang khi phải tự tìm hiểu, mày mò những thông tin mà không biết bắt đầu từ đâu.
Tôi nghĩ chắc hẳn nhiều bạn cũng sẽ trải qua cảm giác của mình ngày đó. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, dự án có thể hỗ trợ các bạn có được lượng kiến thức cũng như tinh thần vững vàng cho các cuộc thi sắp tới.
Hơn nữa, dự án có sự tham gia của nhiều học sinh từ nhiều tỉnh khác nhau. Các bạn ấy ít có cơ hội được tiếp cận với những tài liệu chất lượng trong môn học. Đồng nghĩa với đó là khó có cơ hội chứng tỏ bản thân hơn. Là một người nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ thầy cô và bạn bè trong quá trình ôn thi học sinh giỏi, cho nên sau khi thi xong, tôi thực sự muốn quay trở lại đền đáp cho cộng đồng xung quanh mình và lan tỏa những kiến thức cho những người cần chúng.
* Quan tâm nhiều đến giáo dục, bạn thấy vấn đề nào của giáo dục nước ta cần thay đổi?
- Đây cũng là câu hỏi mà cô Sona Patel hỏi tôi trong buổi phỏng vấn. Trong quá trình tiếp cận với giáo dục, tôi nhận ra mình đang đầu tư rất nhiều cho các bạn trẻ nhưng cũng không nên bỏ quên một phần rất lớn của xã hội - đó là những người lớn tuổi từ thế hệ trước.
Vì một số lý do như chiến tranh, điều kiện gia đình... họ không có nhiều cơ hội để đi học. Mẹ tôi là một ví dụ và là người truyền cảm hứng cho tôi về vấn đề này. Xuất thân từ một vùng quê nghèo ở Nam Định, từ nhỏ mẹ đã phải bỏ học do gia đình không có điều kiện. Tuy vậy, đến giờ mẹ vẫn khát khao được đi học và tôi đã trở thành giáo viên của mẹ.
Tôi nghĩ bất kỳ ai đều nên có cơ hội được đi học vì giáo dục mở ra cơ hội cho họ rất nhiều thứ mới có thể thay đổi cuộc sống dù cho họ có bao nhiêu tuổi đi nữa. Đó là vấn đề mà tôi nhìn ra và thực sự muốn thay đổi.
Khi nói đến việc học, người ta nghĩ đến hai mục tiêu. Một là người yêu việc học để phục vụ mục đích gì đấy cụ thể trong cuộc sống của họ. Hai là họ yêu kiến thức, yêu việc được học. Khi dạy các lớp học của mình thì tôi luôn nhấn mạnh ý thứ hai.
Họ học đơn giản vì yêu việc học, tìm thấy vẻ đẹp của kiến thức, muốn cải thiện bản thân và tăng vốn hiểu biết của mình. Trong lớp học nhỏ của tôi với mẹ, tôi cảm nhận được sự kết nối của hai người yêu kiến thức. Tôi có thể kể cho mẹ câu chuyện về ngoại ngữ, về lịch sử của các nhà văn, các vĩ nhân...
* Kế hoạch sắp tới của bạn là gì và sau khi vào top 50 sinh viên toàn cầu?
- Tôi sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu y sinh của mình, đồng thời thực hiện tiếp các dự án cộng đồng. Đó cũng là những điều tôi muốn theo đuổi. Sinh ra trong một gia đình có nhiều người bị bệnh và thường xuyên đi viện chữa trị khi không có điều kiện về kinh tế khiến tôi muốn theo đuổi ngành y.
Việc muốn tìm hiểu sâu về y sinh để có thể thực hiện những nghiên cứu giúp cải thiện chi phí và chất lượng điều trị có lẽ là một trong những động lực lớn nhất để tôi lựa chọn theo đuổi môn sinh khi còn đang là một học sinh chuyên lý. Đồng thời, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ những gì mình đã được học đến với mọi người như trước nay vẫn làm.
TTO - Ngày 11-11, Tổ chức Varkey Foundation đã công bố cô Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ lọt vào top 10 giáo viên toàn cầu.
Xem thêm: mth.13804848041901202-uac-naot-neiv-hnis-05-pot-oav-teiv-neiv-hnis/nv.ertiout