Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM kết thúc tiêm vắc xin Covid-19 đợt 1 vào ngày 15.9. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ ngày 14.9, TP.HCM đã tiêm được tổng cộng hơn 8,1 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, tổng số mũi 1 là 6,58 triệu và mũi 2 là 1,57 triệu. Đến ngày 14.9, theo số liệu thống kê từ Sở Y tế TP.HCM, có 2 quận tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 đạt cao nhất là Q.11 với tỷ lệ 100% và Q.12 hơn 101%.
Tính chung số mũi tiêm trên địa bàn TP.HCM, kể cả tiêm ở cộng đồng quận, huyện; tiêm ở bệnh viện; tiêm ở các đơn vị được Bộ Y tế giao vắc xin Covid-19, số mũi 1 tại TP.HCM tỷ lệ đạt 110%, mũi 2 đạt 26,3%. Đến ngày 15.9, TP.HCM kết thúc giai đoạn 1 tiêm vắc xin, mục tiêu ban đầu tiêm 90% mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên và 15% mũi 2 đến nay đã vượt chỉ tiêu. Đến giai đoạn 2, từ ngày 16.9 đến ngày 30.9, dự kiến tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 đạt 42%, nếu có vắc xin có thể đạt 50%. Đến ngày 15.10 đạt 80%, sau đó đạt 100% với điều kiện được cung cấp đủ vắc xin.
TP.HCM: Đợt 1 tiêm vắc xin Covid-19 kết thúc ngày 15.9 đã vượt chỉ tiêu |
TP.HCM thí điểm cấp mã QR cho người dân Q.7, H.Củ Chi, H.Cần Giờ. Theo đó, Sở TT-TT phối hợp với Sở Y tế phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của thành phố ("Y tế HCM") thành nền tảng ứng dụng thống nhất để phục vụ người dân tham gia sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, người dân 3 quận huyện này sẽ được cấp một mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh ("Y tế HCM"). Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại hoặc được cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ.
Các thông tin chính gắn với mã QR cá nhân của người dân gồm: khai báo y tế, lịch sử tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm và thông tin theo dõi sức khỏe F0 tại nhà. Người dân khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại di động hoặc truy cập địa chỉ https://khaibaoyte.tphcm.gov.vn trước khi ra đường; xuất trình mã QR tại trạm kiểm soát; trụ sở sản xuất kinh doanh; các nơi kiểm soát ra vào theo quy định như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm... F0 cách ly tại nhà cũng sẽ khai báo sức khỏe trên ứng dụng này.
TP.HCM thí điểm cấp mã QR cho người dân 3 quận, huyện lưu thông trong dịch Covid-19 |
TP.HCM đề nghị các đơn vị khắc phục hạn chế tại các điểm tiêm vắc xin Covid-19. Theo Sở Y tế TP.HCM, qua giám sát thực tế các địa điểm tiêm và phản ánh của người dân, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận một số hạn chế, như điểm tiêm có số lượng người dân ra tiêm rất ít dẫn đến năng suất đạt mũi tiêm thấp. Một số nơi từ chối tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 tiêm tại địa phương khác.
Sở Y tế đề nghị lãnh đạo các cơ sở y tế nhắc nhở các đội tiêm được phân công, hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 không được từ chối tiêm mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 đã tiêm ở địa phương khác. Tiếp tục duy trì các đội tiêm đã thành lập, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu điều động thêm nhằm đạt độ phủ toàn dân được tiêm mũi 1 và tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian theo quy định của từng loại vắc xin. Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ điều các đội tiêm vắc xin Covid-19 có số lượng người dân ra tiêm ít, tăng cường cho các điểm tiêm có số lượng người dân ra tiêm nhiều nhằm đạt mũi tiêm theo tiến độ.
Khoảng cách 2 mũi vắc xin Covid-19 AstraZeneca bao lâu thì tốt nhất? |
Đồng Nai nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa kinh tế sau ngày 20.9. Tại vùng xanh: Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động, hàng không thiết yếu chỉ được hoạt động khi người lao động được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin trên 14 ngày. Người dân tại vùng xanh đã được tiêm 2 mũi vắc xin và người đã khỏi bệnh Covid-19 trong 180 ngày được phép ra đường thực hiện các hoạt động thiết yếu. Mở lại một số hoạt động thương mại, dịch vụ.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất tại vùng xanh được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Các điểm kinh doanh chỉ bán mang về, 1 người bán và 1 người mua tại một thời điểm. Hoạt động tại các chợ truyền thống ở vùng xanh vẫn giữ nguyên. Các lĩnh vực được mở có điều kiện sau 20.9 gồm: Hoạt động xây dựng ở vùng xanh; Nông nghiệp (thu hoạch nông lâm, thủy sản); Giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa…
Dịch vụ ăn uống hè phố Hải Phòng được bán tại chỗ từ 5 - 9 giờ. Sáng 14.9, UBND TP.Hải Phòng có thông báo về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ 0 giờ ngày 15.9. Theo đó, các vườn hoa, công viên được mở cửa trở lại nhưng không được tập trung quá 10 người một chỗ trong cùng một thời điểm và phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2 m. Các nhà hàng ăn uống không phục vụ quá 10 khách trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng và phải đóng cửa trước 22 giờ hàng ngày.
Các dịch vụ ăn uống trên các hè phố được bán hàng phục vụ tại chỗ từ 5 - 9 giờ sáng hàng ngày, ngoài khung giờ trên chỉ được bán mang về. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà, spa, chăm sóc sắc đẹp, gội đầu, làm móng hoạt động không quá 50% công suất và phục vụ không quá 10 người trong cùng một thời điểm. Các phòng khám răng - hàm - mặt, phòng khám tai – mũi - họng tư nhân được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế.
TP.HCM sẽ chấm điểm an toàn cho xe vận tải, đủ điểm mới được hoạt động. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Theo đó, các phương tiện vận tải sẽ được chấm điểm an toàn theo 10 tiêu chí (6 tiêu chí bắt buộc và 4 tiêu chí bổ sung), trên thang điểm 10.
Sáu tiêu chí bắt buộc gồm: Người phục vụ, người điều khiển phương tiện đáp ứng điều kiện về tiêm vắc xin phòng Covid-19; Người điều khiển, nhân viên phục vụ trên phương tiện thực hiện việc xét nghiệm theo định kỳ; Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế); Trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 70% nồng độ cồn) cho hành khách, dung dịch khử khuẩn cho phương tiện và thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải; Mật độ người tập trung trên phương tiện vận tải (bao gồm nhân viên phục vụ và người điều khiển phương tiện); Trên phương tiện có thông tin khuyến cáo và hướng dẫn người lao động, hành khách các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.