Các doanh nghiệp nông, lâm thủy sản đang nỗ lực tìm các hình thức phù hợp để tăng tốc sản xuất, đáp ứng thời hạn trả các đơn hàng.
Giảm 50-70% lao động, nguy cơ chậm trả đơn hàng xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng nhân lực bị đứt gãy, hiện nay, chỉ còn trên 50% doanh nghiệp đang duy trì sản xuất, nhưng công suất chế biến cũng đã giảm 50-70%.
Bài toán nhân lực lao động và nguyên liệu sản xuất đang làm đau đầu doanh nghiệp, khi gần cuối năm - thời điểm các doanh nghiệp phải hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng bị tăng giá, cước tàu biển tăng cao, chi phí container bị “đội” lên, các doanh nghiệp ngành gỗ đang khó khăn hơn bao giờ hết.
“Hiện nay, nhiều khách hàng đã hỏi doanh nghiệp khi nào có thể khôi phục lại sản xuất bình thường và cung ứng hàng cho họ. Nếu không trả lời được câu hỏi này, các nhà mua hàng sẽ chuyển đi mua chỗ khác” - ông Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh.
Nhiều thương nhân trong ngành nông, lâm, thủy sản cũng bày tỏ lo ngại khi nhiều khách hàng đang hối thúc trả đơn hàng, thậm chí có đối tác đã có ý chuyển dịch đơn hàng sang các nước xuất khẩu khác.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Fimex Sóc Trăng, nhà máy chế biến tôm của Fimex đang sản xuất “3 tại chỗ” nhưng cũng chỉ có 40% lao động tham gia, sản phẩm cũng chỉ đáp ứng được 25-30% so với yêu cầu.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - cho biết: Thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhà máy ở Cà Mau có 7.000 công nhân, giờ chỉ còn 1.600 công nhân đi làm; nhà máy ở Hậu Giang quy mô 6.000 công nhân giờ duy trì được 1.300 công nhân.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang vừa gửi kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Hậu Giang - nơi Minh Phú có các nhà máy chế biến tôm, bày tỏ lo ngại sẽ mất khách hàng nếu tình hình không được cải thiện.
Sản xuất phân tán, linh hoạt giải pháp để giữ đơn hàng
Ông Vũ Hải Bằng - Giám đốc Woodland - cho hay, trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, để tránh xuất hiện các ca F0 trong nhà máy làm lây lan COVID-19 khiến nhà máy phải đóng cửa, thì tổ chức sản xuất phân tán cũng là mô hình phù hợp.
“Doanh nghiệp chúng tôi có 2 nhà máy ở Tuyên Quang và Hà Nội. Trong khi lao động ở khu vực Hà Nội bị ảnh hưởng rất nặng, nhưng sản xuất ở khu vực Tuyên Quang lại rất thuận lợi” - ông Bằng nói. Và ông cho rằng: Mô hình sử dụng công nhân là người địa phương ở cùng với gia đình không phải thuê trọ, đi làm và về nhà hàng ngày đang cho thấy là mô hình rất an toàn về dịch bệnh và bền vững về nguồn lực lao động. Mô hình này nên áp dụng song song với các mô hình khác như khu công nghiệp tập trung (nếu mô hình tập trung tại từng khu vực đang ở trạng thái an toàn).
“Mô hình tổ chức sản xuất phân tán sử dụng lao động địa phương gắn với vùng nguyên liệu là mô hình hay, nên nhân rộng. Trong tình hình khó khăn của dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng vào các mô hình phân tán như ở Tuyên Quang chứ không tiếp tục đầu tư vào các mô hình sản xuất tập trung như ở Hà Nội nữa vì lao động tập trung rủi ro lớn hơn, lao động tại các vùng sản xuất tập trung có mật độ dân cư cao cũng rủi ro hơn” - ông Vũ Hải Bằng nói.
Các doanh nhân cũng cho rằng, tùy tình hình cụ thể tại doanh nghiệp để đưa ra phương án hoạt động phù hợp và hiệu quả. Trong đó, quan trọng là huy động được nhân lực lao động.
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung - đề nghị: Những người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine cần được đi làm bình thường để các nhà máy được hoạt động trở lại. Doanh nghiệp được bố trí lao động phù hợp, vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Doanh nhân Bùi Bá Sự - Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Việt Úc - cũng chung ý kiến về đẩy nhanh và mạnh tiến trình tiêm chủng vaccine cho toàn dân, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh.
“Những người dân, những doanh nghiệp có người lao động đã được tiêm vaccine từ 1 mũi trở lên sau 14 ngày được đi lại, làm việc bình thường để các nhà máy chế biến có đủ nhân lực lao động. Có như vậy mới phục hồi được sản xuất” - ông Bùi Bá Sự nói.
Xem thêm: odl.276359-gnah-nod-uig-cul-on-taux-nas-ed-gnod-oal-nat-nahp-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal