Phía Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng đựng nhập khẩu từ Việt Nam. Nước này quyết định dừng nhập khẩu 7 ngày. Tuy nhiên, đại diện Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, đến thời điểm hiện tại, chưa có căn cứ khoa học nào chứng minh lây nhiễm virus trên bề mặt hàng hoá.
Chưa có căn cứ khoa học chứng minh virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trên hàng hoá
Ngày 16.9, Bộ Công Thương cho biết, vừa nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng.
Thời gian dừng nhập khẩu là 7 ngày do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Trao đổi với Lao Động về thông tin này, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, đã nhận được thông báo từ chính quyền huyện Đông Hưng từ ngày 15.9.
Tuy nhiên, ông khẳng định, đến thời điểm này, chưa có một tổ chức nào trên thế giới công bố kết quả khoa học chứng minh virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trên hàng hoá, trên thành ôtô hay bao bì sản phẩm.
"Đây không phải lần đầu tiên phía bạn hàng Trung Quốc đưa ra nhận định như vậy. Trước đó, họ cũng đưa ra nhận định về việc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên hàng đông lạnh của Việt Nam và yêu cầu ta phải kiểm tra, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên nông - thủy sản, thực phẩm đông lạnh. Sau khi các bộ ngành có ý kiến thì họ đã dừng việc này" - ông Trung nói.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam quan hệ thương mại với hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, không riêng với Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, chưa có nước nào phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì hàng hoá của Việt Nam.
"Hôm qua, tôi đã cho kiểm tra việc xuất khẩu thanh long của doanh nghiệp Việt sang Trung Quốc. Chúng ta vẫn xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu Tân Thanh bình thường với công suất 207 xe mỗi ngày.
Kiểm tra ở cửa khẩu trên đường biển ở TPHCM, mặt hàng thanh long của ta cũng thông quan sang Trung Quốc bình thường" - ông Trung khẳng định.
Ông Trung cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam không nên quá lo lắng trước thông tin này, mà nên tập trung vào chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Tất nhiên cũng không được lơ là công tác phòng chống dịch bệnh. Phía Đông Hưng cũng thông báo, sau 23h ngày 21.9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này.
Theo ông Trung, đến thời điểm hiện tại, mặt hàng thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,7 triệu tấn, chỉ còn hơn 100.000 nghìn tấn nữa sẽ bằng số liệu xuất khẩu của cả năm 2020 đối với riêng mặt hàng thanh long (năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 1,92 triệu tấn). Chúng ta còn 4 tháng nữa để xuất khẩu.
Kinh nghiệm xuất khẩu hàng hoá ở Bắc Giang
Cũng liên quan đến sự việc này, Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, chủ động kiểm tra, rà soát quy trình thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển nông sản, nhất là trái cây, để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch COVID-19.
Nói về kinh nghiệm xuất khẩu hàng hoá, nông sản trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho Lao Động biết, trước khi xuất khẩu, ngành Y tế tỉnh Bắc Giang sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho toàn bộ nhà vườn, hộ nông dân, người thu mua, thương nhân, lao động trên địa bàn. Các thương nhân, đại lý, điểm thu mua được yêu cầu phải đăng ký rõ ràng nơi thu mua, có bao nhiêu lao động, có bao nhiêu lái xe để vận chuyển hàng hóa.
Sau khi đóng hàng, các sản phẩm nông sản sẽ được phun thuốc khử khuẩn bằng Cloramin B, đồng thời dán tem "không có dịch COVID-19" trên thùng hàng trước khi được vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo ông Tấn, thương nhân hai nước trao đổi, giao kết với nhau bằng phương thức giao nhận hàng phù hợp và linh hoạt. Điểm giao nhận xe và hàng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được thống nhất với nhau.
Thương nhân Việt Nam sẽ chở hàng đến một điểm giao nhận đã thoả thuận, được lãnh đạo các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và Lào Cai, Lạng Sơn đồng ý. Sau đó, thương nhân Trung Quốc sẽ đến điểm giao kết đó, tự lái xe hàng về điểm giao nhận hàng của phía Trung Quốc.
Sau khi nhận hàng xong, lái xe của Trung Quốc mang xe trở lại điểm giao kết và trả lại cho Việt Nam. Trước khi đưa xe về Lục Ngạn, Tân Yên, xe này được phun khử trùng, khử khuẩn, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.