Hành tây được chở từ Lào Cai vào điểm tập kết tối 20-9
Dù lượng hàng đưa về thuận lợi trong ngày đầu, nhiều thương nhân vẫn than khó với các quy định như phải đăng ký thông tin mua bán trước 12 tiếng, khách hàng khó tiếp cận mua bán...
Những mặt hàng về trong ngày đầu là các loại rau củ như bắp cải, cải thảo, hành tây… được nhập về chủ yếu từ các khu vực như miền Đông và Tây Nam Bộ, Lâm Đồng, thậm chí Lào Cai.
Vừa chở hơn 60 tấn hàng khoai tây, hành tây... từ Lào Cai vào chợ, ông Lâm Văn Lợi cho biết việc di chuyển thuận lợi, hàng hóa vào chợ ổn định, và đây là đêm đầu tiên nên ông chỉ thăm dò nhu cầu, nếu hiệu quả sẽ tăng thêm nguồn hàng nhập về.
Chở cải thảo, bắp cải... từ Đà Lạt về điểm tập kết, bà Nguyễn Thị Son, chủ một vựa nông sản tại đây, cho biết nguồn hàng các tỉnh dồi dào, giá ổn định nên việc thu mua và vận chuyển về TP.HCM thuận lợi.
Công nhân bốc xếp được tiêm 2 mũi vắc xin trước khi tham gia hoạt động tại điểm tập kết
Theo đại diện chợ đầu mối thực phẩm Hóc Môn, số lượng tiểu thương đăng ký hoạt động trong giai đoạn đầu là 16 người, nhưng ngày đầu chỉ có 12 người tham gia với lượng hàng nhập chợ khoảng 100 tấn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 20-9, ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết do thận trọng nên thời điểm đầu chỉ đưa vào hoạt động với 16 thương nhân để dễ quản lý. Nếu mô hình hoạt động hiệu quả, an toàn, sẽ xem xét mở rộng quy mô trong thời gian tới.
"Việc an toàn phải đặt lên hàng đầu, những người phục vụ tại đây và thương nhân tham gia đã được tiêm 2 mũi vắc xin. Chúng tôi làm việc với các đơn vị để sớm thực hiện việc khai báo y tế, ký kết, liên hệ mua bán qua online nhằm đẩy nhanh giao dịch, an toàn dịch bệnh", ông Dũng thông tin.
Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết vấn đề an toàn dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu nên sẽ giám sát chặt đội ngũ lao động tại chợ
Theo ông Dũng, hiện công ty chợ có cơ sở giết mổ 1.200-1.400 con heo/ngày, nhưng lượng này đi về các siêu thị, mối hàng lớn, và các điểm bán tại các xã của huyện Hóc Môn nên huyện chủ trương chưa cho nhập hàng thịt.
Trong khi đó, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết việc đưa các mô hình tập kết vào hoạt động ở các chợ đầu mối và mở dần quy mô là kế hoạch của TP nhằm tăng nguồn cung thực phẩm cho người dân TP, duy trì giá bán ổn định.
Bà Son cho biết việc xét nghiệm COVID-19 liên tục tạo áp lực cho tiểu thương và khách hàng vì ai cũng ngại. Bạn hàng kêu các quy định vào mua hàng cũng khó nên nhiều người không hào hứng.
Còn ông Lâm Văn Lợi cho biết mỗi lần test COVID-19 cho tài xế và phụ xe tốn 700.000 đồng, 2-3 ngày lại xét nghiệm, nên cũng khá tốn kém.
Xe hàng vào điểm tập kết được phun xịt sát khuẩn vào tối 20-9
Áp lực với quy định về việc đăng ký thông tin trước với chợ, ông Hồng Văn Tí, chủ một vựa tham gia điểm tập kết trung chuyển tại đây, cho biết quy định của chợ là phải đăng ký trước số xe, hàng nhập, thông tin khách hàng vào mua... trước 12 tiếng gây khó khăn cho mua bán.
Theo ông Tí, thời gian đăng ký trước 12 tiếng là quá sớm, trong khi đó khách hàng không phải vận chuyển cố định một xe. Do đó, nhập hàng vào dễ nhưng để đăng ký vào mua hàng gặp khó khăn.
Thậm chí, theo một số tiểu thương, trường hợp khách chỉ có nhu cầu mua ít hàng nhưng muốn vào chợ phải tốn tiền test COVID-19, rồi còn phải đăng ký xe, nên họ ái ngại. Chưa kể, nhiều trường hợp như nhập hàng từ cảng, đến sát giờ vận chuyển mới biết số xe chở hàng thì thương nhân không thể đăng ký với chợ trước 12 tiếng.
Lực lượng y tế tại chợ thực hiện lấy mẫu kiểm tra COVID-19 đối với tiểu thương trước khi vào chợ
"Theo tôi, ai vào trong đây mua bán thì chỉ cần thông tin tài xế, số xe, đã được tiêm vắc xin, được test kiểm tra, không cần đăng ký trước. Còn nếu chợ vẫn bắt buộc phải đăng ký trước như hiện nay thì sẽ không nhiều người mặn mà tham gia", ông Tí nhận định.
Trước đó, chợ đầu mối Bình Điền và chợ Thủ Đức đã triển khai mô hình điểm tập kết trung chuyển hàng và đang dự tính mở rộng dần quy mô do lượng hàng về tăng dần.
Giai đoạn 2 sẽ có 30 tiểu thương tham gia
Theo đại diện chợ đầu mối Hóc Môn, theo kế hoạch của chợ, sau khi thực hiện hiệu quả và an toàn dịch bệnh trong giai đoạn đầu, chợ sẽ chuyển sang giai đoạn 2 với số lượng tiểu thương tham gia điểm tập kết dự kiến tăng 30 thương nhân, với các mặt hàng nhập về sẽ đa dạng hơn, trong đó có thể thêm mặt hàng thịt heo.
TTO - Số lượng thương nhân tham gia điểm trung chuyển dự kiến 10-20 thương nhân ngành hàng rau quả, và 10-15 thương nhân ngành thịt heo. Điểm trung chuyển chỉ cho giao nhận hàng, cá nhân vào chợ phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.