Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, vụ Hè Thu 2021 có 37 doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp thông qua các HTX, tổ hợp tác và các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh với diện tích 19.368 ha; trong đó công ty CP tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết với diện tích 12.791 ha.
Về thu mua, hiện có 29 doanh nghiệp đã thực hiện thu mua đạt với diện tích 14.595 ha, đạt trên 75% diện tích thực hiện, hiện các doanh nghiệp đang tiếp tục thu mua diện tích còn lại.
Vụ Hè Thu 2021 có 37 doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp cho hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang (Trong ảnh: Thu hoạch trà lúa Hè Thu ở An Giang. Ảnh: Hải Dương
Theo ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, với 160 tổ phản ứng ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã là cầu nối quan trọng kết nối người sản xuất với thương lái, doanh nghiệp để tháo gỡ những điểm nghẽn trong tiêu thụ lúa cho nông dân một cách kịp thời.
Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các tổ phản ứng nhanh cấp xã để phát triển mãnh mẽ hơn nữa sản xuất theo chuỗi liên kết – tiêu thụ, hạn chế thấp nhất những biến động của thị trường.
Theo kế hoạch, diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông khoảng 160.957 ha, ước năng suất lúa bình quân đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 998.170 tấn. Kế hoạch đăng ký từ các doanh nghiệp, vụ Thu Đông 2021 có tổng diện tích liên kết tiêu thụ là 37.400 ha, chiếm 23,26% diện tích kế hoạch xuống giống với sự tham gia liên kết của 15 công ty và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Sỹ Lâm, cho biết, nhằm hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, thu mua nông sản và triển khai tổ chức liên kết tiêu thụ trong sản xuất lúa giai đoạn 2021 - 2022 vừa qua tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về định hướng hoạt động Tổ phản ứng nhanh cấp xã. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo UBND tỉnh, ngành nông nghiệp, công thương, các đơn vị liên quan cùng Tổ phản ứng nhanh cấp xã và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời).
Qua hội nghị trực tuyến, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các địa phương chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 theo các cấp độ khác nhau. Cụ thể gồm vùng áp dụng Chỉ thị 15, vùng áp dụng Chỉ thị 16 và vùng trở lại trạng thái bình thường mới (có tính đến đối tượng đã tiêm vaccine và chưa tiêm). UBND cấp huyện chủ động trong chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế ở địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai tới cấp xã theo các kịch bản trên.
Nông dân An Giang đã xuống giống vụ Thu Đông. Ảnh: Hải Dương
An Giang thí điểm triển khai “4 Xanh và 1V” - vùng “xanh”, sản phẩm “xanh”, bao bì “xanh”, thương lái “xanh” và có tiêm vaccine. UBND cấp huyện tổng hợp danh sách là doanh nghiệp, cơ sở, đại lý, thương lái, tài xế, chủ máy, công nhân, nông dân,... tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ, sơ chế, chế biến và vận chuyển nông, lâm, thủy sản gửi về Sở NN&PTNT tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
Đối với các thành viên Tổ phản ứng nhanh cấp xã có kết nối Zalo để thường xuyên trao đổi để xử lý nhanh công việc, có phân công nhiệm vụ cụ thể để giảm áp lực cho thành viên của Tổ.
Tổ phản ứng nhanh này có phân công cho thành viên làm nhiệm vụ hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm nông sản của xã, phường, thị trấn lên sàn giao dịch điện tử. Trường hợp Tổ phản ứng nhanh chưa đưa được sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử, đề nghị Phòng Kinh tế hoặc Sở NN&PTNT hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản…