Các doanh nghiệp TP.HCM đứng trước nhiều khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tại buổi tiếp xúc cử tri giữa cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM và Đoàn đại biểu Quốc hội TP vào ngày 2-10, 12 doanh nghiệp, chủ tịch các hiệp hội, ngành hàng đại điện cho cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM nêu thẳng thắn các kiến nghị, hiến kế đối với Đoàn đại biểu Quốc hội và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Cần hỗ trợ theo từng đối tượng doanh nghiệp, không nên cào bằng
Ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho hay các gói hỗ trợ đã tạo nên nguồn lực hết sức quý giá cho doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, ông Dũng đánh giá do vẫn còn một số thủ tục quy định các đối tượng thụ hưởng không thể đáp ứng được nên một số chính sách hiệu quả thực thi chưa cao.
Về việc ban hành và tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng cần ban hành theo đối tượng doanh nghiệp và mục tiêu phục hồi kinh tế để thiết thực, có hiệu quả cao hơn.
"Doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh, đóng góp cao cho nền kinh tế cần tập trung hỗ trợ để họ nâng hiệu quả nền kinh tế, làm đầu tàu kéo các doanh nghiệp khác. Đối với nhóm doanh nghiệp không thể quay lại sản xuất nữa, cần chính sách hỗ trợ an sinh xã hội để doanh nghiệp và người lao động ổn định cuộc sống chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất khác" - ông Dũng nhấn mạnh.
Đối với các chính sách tài chính, ông Dũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận vay vốn mới, lãi suất vay thấp, không phải thế chấp tài sản để doanh nghiệp phục hồi lại được sản xuất...
Đối với việc điều chỉnh các chính sách đã ban hành, ông Dũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp chỉ đạo để ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và kéo dãn thời gian trả nợ vốn, lãi vay tương ứng với thời gian cơ cấu lại các khoản nợ theo thông tư 01 và thông tư 14 vừa ban hành. Đồng thời, cho phép mở rộng room cho vay đối với các doanh nghiệp để có vốn phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng kiến nghị tạo điều kiện cho người lao động nhanh nhận các gói hỗ trợ, giảm thu phí giao thông đường bộ ít nhất 50% hoặc miễn thu trong thời gian 2 năm, mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn về gói hỗ trợ tiền điện cho người dân và doanh nghiệp...
Các doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp về tài chính, hỗ trợ lại suất, chính sách... để giúp doanh nghiệp phục hồi - Ảnh: NGỌC HIỂN
Dòng tiền là oxy đối với doanh nghiệp
Ông Phạm Văn Việt - phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - cho hay đối với các gói hỗ trợ lãi suất, cần có quy chế đặc biệt để tất cả các doanh nghiệp tiếp cận được, không phân biệt ngành nghề.
Theo ông Việt, trong bối cảnh dịch COVID-19, dòng tiền như oxy đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo tại Luật tổ chức tín dụng. Nếu muốn được giải ngân, doanh nghiệp phải đảm bảo không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận và có tài sản đảm bảo.
Thực tế, doanh thu doanh nghiệp sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên 2 năm trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại không đổi sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Do đó, ông Việt kiến nghị đối với gói hỗ trợ lãi suất dự kiến ban hành, các doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được nếu không sớm ban hành cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Công ty du lịch Vietravel - phát biểu du lịch là ngành bị tổn thất nặng nề nhất do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, chính sách ban hành thời gian qua chưa hỗ trợ được cho ngành du lịch. Đơn cử chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, do phải dừng hoạt động, toàn bộ ngành du lịch không có doanh thu nên không có thuế để được giảm.
Ví cơ thể cần oxy như doanh nghiệp cần nguồn tài chính, ông Kỳ cho rằng để tái phục hồi, rất cần vốn. Tuy nhiên để vay được vốn, các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo trong khi đó, doanh nghiệp ngành du lịch không còn tài sản đảm bảo, không còn doanh thu, lợi nhuận.
Để cứu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nên tăng cung tiền để các tổ chức tín dụng cho vay. Nếu thiếu loại oxy này thì doanh nghiệp sẽ chết. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội tính toán giảm thuế giá trị gia tăng từ 10 xuống 5% để kích cầu du lịch.
Cần nâng quy mô gói hỗ trợ
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề xuất cần có những chính sách riêng cho từng nhóm doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp là tình huống chưa từng có nên phải có giải pháp chưa từng có. Cụ thể, cần có biện pháp hỗ trợ về dòng tiền, hỗ trợ người lao động, trong đó cần nâng quy mô gói hỗ trợ của VN khi các quốc gia khác có gói hỗ trợ bằng 23% GDP như tại Mỹ hay 15% GDP tại Trung Quốc.
Còn ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng có những chính sách riêng cho từng nhóm doanh nghiệp đang sản xuất, tạm thời đóng cửa, sắp phá sản... không nên áp dụng chung một chính sách cho tất cả các doanh nghiệp. Đồng thời, cần xem COVID-19 là sự kiện bất khả kháng như các nước trên thế giới để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhất là các chính sách về đất đai.
Ngân hàng đứng trước khó khăn vì nợ xấu
Trao đổi lại với kiến nghị của doanh nghiệp TP.HCM, phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cam kết ngành ngân hàng sẽ đồng hành mức cao nhất với doanh nghiệp, đặc biệt là ở khu vực TP.HCM.
Tuy nhiên, ông Tú băn khoăn các ngân hàng đang đứng trước khó khăn trong năm 2022 là nợ xấu xuất hiện do doanh nghiệp không trả được nợ. Đồng thời, lãi suất huy động cũng phải đảm bảo người gửi tiền có lợi nhuận.
Đặc biệt điều hành của Ngân hàng Nhà nước lúc này mở rộng tín dụng, hạ lãi suất nhưng phải đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như ổn định an toàn hệ thống tài chính quốc gia.
"Chúng tôi rất muốn giảm lãi suất. Thậm chí lãi suất cho vay chỉ 2-3% thì huy động không có lãi. Như vậy, người dân chắc chắn không gửi tiền ngân hàng mà chuyển sang những lĩnh vực khác không khuyến khích như đưa vào bất động sản như năm 2009 mà nền kinh tế phải trả giá khi bất động sản bong bóng" - ông Tú nói.
Nên điều hành lãi suất hài hòa giữa đầu vào và đầu ra, giữa ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp là rất khó.
TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên đối với cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM theo hình thức trực tuyến vào sáng 2-10.
Xem thêm: mth.77042544120011202-hnaod-hnik-taux-nas-yad-cuv-ed-ig-ek-neih-mchpt-peihgn-hnaod/nv.ertiout