Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phục hồi kinh tế, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của từng địa phương, từng vùng là một yêu cầu quan trọng khi xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 để đảm bảo các địa phương có thể triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nhiều vùng, nhiều địa phương vẫn đạt tăng trưởng cao
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh và các giải pháp giãn cách xã hội, tạm ngừng hoạt động sản xuất nhằm phòng chống lây lan dịch bệnh, nhiều vùng và địa phương trong cả nước tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước trong nửa đầu năm như Bình Phước (6,16%), Tây Ninh (7,04%), Bình Dương (7,23%), Long An (6,06%), Bến Tre (6,47%), Bạc Liêu (7,17%).
Thu ngân sách nhà nước trên 2 vùng trong 8 tháng đạt hơn 495.000 tỉ đồng, chiếm hơn 46,5% số thu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của 2 vùng ước đạt 87,54 tỉ USD, chiếm khoảng 41,1% cả nước, trong đó vùng Đông Nam Bộ ước đạt 77,9 tỉ USD, chiếm khoảng 36,6% cả nước, tăng khoảng 21,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đầu năm 2021 là 10,54 tỉ USD, chiếm khoảng 55,14% cả nước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng là 37.252 doanh nghiệp, chiếm 45,6% cả nước.
Tương tự tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du - miền núi Bắc Bộ, theo ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm và hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh. Nhờ đó tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 2 vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước, trong đó một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm ở nhóm cao nhất cả nước (như Hòa Bình 16,1%, Vĩnh Phúc 14,21%, Hải Phòng 13,52%, Sơn La 10,67%, Hà Nam 10,41%, Bắc Giang 10,2%, Lai Châu 10,08%...).
Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng của 2 vùng đạt 406,62 nghìn tỉ đồng, chiếm 38,25% số thu cả nước; Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 108,62 tỉ USD, chiếm trên 50% cả nước; Tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng đạt 6,9 tỉ USD, chiếm 36,1% cả nước; Số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 30.360 DN, chiếm 37,2% cả nước.
Theo Bộ KHĐT, rất nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm
Từ cuối tháng 9.2021, các địa phương bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa lại nền kinh tế theo lộ trình thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh kéo dài trong đó GDP quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ, tiềm ẩn một số rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn trong cả ngắn và dài hạn. Đáng chú ý, áp lực khôi phục sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm là rất lớn.
Theo đó ngay trong các ngày đầu tháng 10.2021, ông Nguyễn Chí Dũng cho hay Bộ KHĐT sẽ hoàn thành, báo cáo cấp có thẩm quyền Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương phải thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Tổ công tác của cơ quan mình, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là chương trình được Bộ KHĐT xây dựng và thảo luận với các địa phương trong suốt thời gian qua thông qua hàng loạt các buổi làm việc với từng vùng và từng địa phương.
Từ thực tế nhiều địa phương tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao với nhiều nhóm có tốc độ tăng trưởng 200%, thậm chí xấp xỉ 300% so với tăng trưởng chung của cả nước, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để có thể đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.
Tại vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ, theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông, thời gian giãn cách làm đứt gãy chuỗi cung ứng, người lao động quay về địa phương do vậy bài toán sau khi kết thúc dịch bệnh, các địa phương phải có chính sách tiếp nhận người lao động quay trở lại, ổn định sản xuất.
Việc giãn cách do dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp, thu hút FDI, mối liên kết giữa các địa phương vùng khác bị đứt gãy, ảnh hưởng đến nguồn thu, xuất khẩu. Ở thời điểm hiện nay, việc khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, do vậy cần tiếp tục tổ chức đối thoại, gặp gỡ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách phù hợp, sớm xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi kinh tế trên địa bàn khả thi, hiệu quả theo hướng tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng, các địa phương vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ cần tiếp tục phát triển thế mạnh về kinh tế biển, công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; phục hồi ngành du lịch, dịch vụ và tập trung phát triển các trung tâm kinh tế động lực, các hành lang kinh tế…