Đầu tháng 6, Tú ở Hà Nam, nhận được thông báo của chính quyền quê nhà về việc đăng ký làm căn cước công dân gắn chip thay cho chứng minh thư nhân dân cũ. Công việc bận rộn lại di chuyển mất nhiều thời gian nên anh xin làm tại nơi đăng ký tạm trú là Hà Nội song không được. Chính quyền cho hay quy định tại thời điểm đó công dân chỉ được làm căn cước ở nơi đăng ký thường trú.
Do chỉ cấp theo đợt ở từng địa phương nên lượng người có nhu cầu rất đông, Tú buộc phải xếp hàng từ 17h đến gần 0h mới hoàn thành các thủ tục. Khi làm căn cước công dân gắn chip, Tú bị thu lại chứng minh thư nhân dân cũ vì cán bộ thụ lý nói không còn giá trị sử dụng. Anh chỉ được thông báo khi nào có căn cước, công an sẽ trả về chính quyền địa phương và gọi công dân ra nhận, chứ không có thời gian cụ thể. Anh cũng không được cấp chứng nhận hay "giấy tờ viết tay có đóng dấu" gì để sử dụng tạm thời trong thời gian chờ căn cước.
Trong hơn bốn tháng không có giấy tờ tùy thân, Tú gặp không ít phiền toái khi thực hiện các giao dịch. Một lần anh rút tiền ở quầy giao dịch của ngân hàng bất thành do buộc phải có chứng minh thư hoặc căn cước công dân. Ngân hàng quy định số chứng minh thư phải khớp mã số trong tài khoản, khách hàng mới được nhận tiền nếu không sẽ bị hủy giao dịch.
Đã hơn ba lần liên hệ với công an địa phương song Tú không nhận được câu trả lời rõ ràng về thời hạn trả căn cước. Cơ quan chức năng nói mong anh thông cảm và hứa trả trong thời gian sớm nhất.
Cũng như Tú, nhiều người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều kêu gặp khó vì làm căn cước công dân gắn chip trong vài tháng mà chưa được nhận, trong khi chứng minh thư đã bị thu lại.
Chị Trang ở Hà Nội cho hay làm căn cước từ cuối tháng 5, vì đăng ký nhận thẻ qua đường bưu điện nên nhiều lần hỏi cảnh sát khu vực, chị đều được thông báo "chờ thêm". Trong những ngày Hà Nội giãn cách chị không thể xin được giấy đi đường do UBND phường yêu cầu xuất trình căn cước công dân hoặc chứng minh thư. Chị cũng không có những giấy tờ chứng minh nhân thân khác, như hộ chiếu.
Chị Trang cho rằng địa phương nên để công dân được sử dụng chứng minh thư nhân dân cũ cho tới khi nhận căn cước, hoặc sẽ cấp giấy chứng nhận mã số thay cho chứng minh thư.
Theo Điều 25 Luật Căn cước công dân, trường hợp cấp mới, cấp đổi thì cơ quan quản lý sẽ trả căn cước cho công dân trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc với trường hợp ở thành phố, thị xã; không quá 20 ngày làm việc tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo; không quá 15 ngày làm việc với các khu vực còn lại.
Người dân có hai cách để nhận căn cước công dân gắn chip là nhận trực tiếp tại nơi làm thủ tục hoặc là nhận qua bưu điện.
Lý giải về việc chậm trả căn cước công dân, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho VnExpress biết đến nay công an các địa phương đã thu nhận hơn 58,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp căn cước và đã trả hơn 45 triệu thẻ cho người dân.
Theo ông Xô, Covid-19 ảnh hưởng nặng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử. Việt Nam phải nhập khẩu chip để gắn trên thẻ căn cước công dân nên khi các nước rơi vào khủng hoảng là nguyên nhân khách quan tác động lớn đến tiến độ sản xuất thẻ.
Ông Xô cho biết thêm, để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã ban hành mẫu thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo thông tư 59, người dân có nhu cầu sử dụng mà chưa được phát căn cước, có thể đề nghị công an cấp xã, nơi đăng ký thường trú, cấp văn bản thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người dân sử dụng thông báo này để chứng minh nội dung thông tin của mình. "Văn bản thông báo có xác định số căn cước, số định danh và trên đó cũng có sẵn QR code giống như trên thẻ căn cước cấp cho chính công dân đó", ông Xô nói.
Chánh văn phòng Bộ Công an cũng cho biết, người dân muốn làm căn cước thì ngoài nơi thường trú có thể đến làm ở nơi tạm trú. Công dân đã có dữ liệu được cơ quan công an thu thập, chỉ cần mang căn cước hoặc chứng minh nhân dân cũ, nếu chưa có dữ liệu thì mang theo số hộ khẩu để kê khai thông tin theo hướng dẫn.
Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2020 với tổng đầu tư 2.800 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trung tâm thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chip điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc.
Ngày 1/1, công an toàn quốc bắt đầu thu nhận cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi. Theo lãnh đạo Bộ Công an, thẻ căn cước gắn chip có tính bảo mật cao hơn, lưu giữ nhiều trường thông tin hơn nhờ chip mã hóa dữ liệu cá nhân như sinh trắc học, vân tay, võng mạc... và phải có đầu đọc chuyên dụng mới có thể tra cứu được thông tin mã hóa trên thẻ.
Hoàng Thùy - Phạm Dự
Xem thêm: lmth.7746634-pac-coud-auhc-gnaht-iav-mal-couc-nac-ihk-ohk-pag-nad-iougn/ten.sserpxenv