Rau, củ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, chúng giúp cơ thể khoẻ mạnh, chống lại các nguy cơ của bệnh tật. Tuy nhiên, để giúp cơ thể khoẻ mạnh, người tiêu dùng nên chọn và sử dụng rau, củ an toàn. Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM dưới đây là cách nhận biết một số loại rau, củ an toàn:
Rau xanh là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Rau ăn ngọn: rau lang, rau muống, đọt bầu bí: Chúng ta không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài, do có thể dùng thuốc chất kích thích tăng trưởng quá liều và không đảm bảo thời gian cách ly. Khi mua về nếu không sử dụng ngay, hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn từ 5-10 cm.
Rau muống: Không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen, nhìn nghiêng mặt trên của lá rau rất bóng và mướt, do có thể người trồng đã sử dụng nhiều phân đạm hoặc phân bón lá. Khi nước luộc rau này nguội, nước sẽ biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen, ăn xong, ta nhận thấy có vị chát.
Rau cải (cải xanh, cải thảo...): Sau khi mua rau cải về, chúng ta bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân tiết ra thì rau cải có thể đã bị bón quá nhiều phân đạm, hàm lượng Nitrat trong rau còn rất cao. Nếu để quá 12 giờ thì dễ bị úng nâu đen.
Rau cần: Khi thấy thân rau to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo thì không nên mua do có thể đã bị sử dụng quá nhiều phân bón lá và còn có khả năng còn tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi chế biến lá rau biến màu xanh đen.
Củ, quả: Chúng ta không nên chọn những trái quá lớn, mà chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ. Không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng.
Các loại đậu (bao gồm:,đậu cô ve, đậu Hà lan, đậu đũa...): Không nên chọn những trái khi nhìn trái bóng, ít lông tơ...
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi người nên sử dụng rau quả ít nhất 400 gram/ngày để có thể mang lợi ích về sức khỏe và dinh dưỡng. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm từ những đơn vị sản xuất, kinh doanh có uy tín, có thương hiệu, có chứng nhận chất lượng sản phẩm như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Nếu mua rau, củ quả tại truyền thống, chúng ta nên chọn các quầy bán không gần những khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao (cống rãnh thoát nước thải, nơi chứa rác thải, gần nhà vệ sinh...). |