Cô Nguyễn Thanh Hòa trong giờ dạy - Ảnh: NVCC
"Cách mạng công nghiệp diễn ra đầu tiên ở đâu?" - "Anh, Đức, Pháp, Ý?". Đó là một trong sáu câu hỏi và trả lời của trò chơi trắc nghiệm về bài học lịch sử "Sự lan rộng chủ nghĩa tư bản trên phạm vi thế giới" trong sách giáo khoa lớp 8. Cô Nguyễn Thanh Hòa đã "làm mới" tiết học bằng cách thêm phần chơi game show trên phần mềm Kahoot.
Dạy trực tuyến bị ngăn cách bởi không gian mạng nên giáo viên phải tìm ra những cách thể hiện mới. Vì thế, giáo viên phải tương tác với học sinh thật nhiều qua các hình thức học tập mà cả hai bên đều cảm thấy hào hứng.
Cô Nguyễn Thanh Hòa
Học sinh hào hứng
Không còn cảnh giơ tay như những giờ học trực tiếp, thay vào đó tất cả học sinh đều sẽ nhập mã, đặt tên và tham gia vào trò chơi trắc nghiệm để xem "ai trả lời nhanh nhất, ai về đích sớm nhất". Chỉ sau khoảng 5, 10 phút, phần mềm sẽ tổng kết và đưa ra ba học sinh có đáp án đúng, nhanh nhất theo thời gian click chuột và chúc mừng các bạn đó.
Tiếp đó, cô Nguyễn Thanh Hòa cho học sinh quay "vòng quay may mắn" khi cần củng cố thêm kiến thức. Mỗi học sinh sẽ có số thứ tự riêng. Quay đến số học sinh nào, bạn đó trả lời câu hỏi của cô giáo. Ở mỗi mục trong bài học, cô Hòa đều dùng đến vòng quay may mắn để hỏi học sinh. Theo cô, đó là cách khách quan và đem lại sự hồi hộp, thu hút học sinh tập trung vào bài học. Bên cạnh đó, cô cũng dùng hình thức này để thay thế việc dò bài mỗi ngày của học sinh.
"Tôi lấy điểm cộng của học sinh trong quá trình xây dựng bài học của các em, hạn chế việc dò bài gây áp lực không hiệu quả cho học sinh" - cô Hòa nói.
Em Quách Mỹ Anh - học sinh lớp 8/4 Trường THCS Nguyễn Du - vui vẻ cho biết: "Cả lớp em ai cũng tích cực tham gia vào bài học. Chỉ cần đọc nhanh, click chuột nhanh thì cơ hội kiếm điểm cộng cũng cao nên cả lớp thích lắm. Em vốn không thích môn lịch sử vì nhiều chữ, sự kiện phải ghi nhớ và học thuộc. Nhưng khi học những tiết học lịch sử với cô Hòa em hào hứng với môn học này nhiều hơn. Cô cho lớp chơi các trò chơi nên em ghi nhớ bài tốt hơn và thấy đỡ áp lực hơn".
Vũ Lê Lam Nhi, lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Du, kể em còn nhớ rõ những câu chuyện cô Hòa kể về giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh và những giai thoại xoay quanh chuyện Đàng Trong - Đàng Ngoài mà các em được học hồi học kỳ II năm học lớp 7. "Con rất thích xem những video clip dạy học của cô Hòa và cảm thấy tự tin khi thực hiện bài kiểm tra theo kiểu thực hiện infographic mà cô cho chúng con làm" - Lam Nhi cho biết.
Trò chơi của cô Nguyễn Thanh Hòa trong giờ học khiến học sinh thích thú - Ảnh: NVCC
"Thu hẹp" không gian học trực tuyến
Để có những giờ dạy trực tuyến thu hút học sinh bằng nhiều trò chơi, làm ápphích, tạp chí lịch sử... là những giờ cô Nguyễn Thanh Hòa miệt mài với các phần mềm, các lớp bồi dưỡng dạy học tích cực.
"Học sinh bây giờ rất giỏi và tôi nghĩ giáo viên phải thay đổi. Dạy trên lớp giáo viên có môi trường để biết học sinh đang nghĩ gì, làm gì. Từ đó, giáo viên lôi cuốn học sinh bằng những bài học sinh động qua lời giảng và bằng cả sự say mê trong cách nói, cách thể hiện của mình. Nhưng dạy học trực tuyến bị ngăn cách bởi không gian mạng, giáo viên phải tìm ra những cách thể hiện mới. Vì thế, giáo viên phải tìm cách tương tác với học sinh thật nhiều qua các hình thức học tập mà cả hai bên đều cảm thấy hào hứng" - cô Hòa thổ lộ.
Cô Nguyễn Đoan Trang - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - cho biết cô Hòa là giáo viên thuộc tổ sử - địa - giáo dục công dân vừa được tuyên dương trong phong trào "Thi đua dạy học online" của trường.
"Cô Hòa là một trong những giáo viên tích cực về ứng dụng phương pháp dạy học tích cực. Mỗi năm cô đều tìm được các phương pháp dạy học mới để làm sinh động, hấp dẫn các bài dạy của mình. Năm nay, cô có những sáng tạo trong dạy học trực tuyến, khiến giới hạn không gian giữa học sinh và giáo viên được thu hẹp lại. Học sinh hào hứng hơn với bài học, sự tương tác giữa học sinh và giáo viên cũng tăng lên. Những bài dạy của cô Hòa đã lan tỏa đến các đồng nghiệp khác và được đánh giá cao" - cô Nguyễn Đoan Trang chia sẻ thêm.
Làm infographic để kiểm tra 15 phút
Cô Hòa cũng đổi mới việc kiểm tra học sinh, không còn những bài kiểm tra đơn thuần "ghi - chép", trắc nghiệm.
"Tôi muốn khơi gợi cho học sinh sự sáng tạo, tránh nhàm chán, gạo bài nên tôi chọn cách hướng dẫn các em làm infographic để kiểm tra 15 phút. Kết quả thu được thật không ngờ là học sinh làm tốt như vậy. Học online cũng là một cơ hội tốt cho học sinh tìm hiểu về công nghệ. Nhiều bạn còn làm ở những phần mềm rất mới, gây bất ngờ cho tôi. Giáo viên yêu cầu thấp quá, không đủ đáp ứng sức sáng tạo của học sinh. Và chính các em cũng khiến giáo viên như tôi phải đổi mới liên tục. Ngoài ra, nhà trường cũng tạo môi trường, giúp giáo viên tiếp cận những công nghệ dạy học mới và cho giáo viên cơ hội được sáng tạo trong các bài dạy của mình" - cô Hòa chia sẻ.
TTO - Gần 500 học sinh khối lớp 5 của năm trường tiểu học trên địa bàn Q.1, TP.HCM đã có buổi giao lưu "Tự hào trang sử Việt" rất vui vẻ và hào hứng vào đầu tháng 12 vừa qua.
Xem thêm: mth.78720630240011202-wohs-emag-auq-us-hcil-yad/nv.ertiout