Dạo gần đây, rất nhiều cư dân mạng xã hội đưa “thẻ xanh COVID” có mã QR (thẻ chứng nhận đã tiêm hai mũi vaccine từ ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế) lên trang Facebook cá nhân hay các trang mạng xã hội khác. Lẽ dĩ nhiên, khi được tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19, đó là một điều đáng để chúng ta "ăn mừng". Bởi càng có nhiều người được tiêm vaccine đồng nghĩa với việc miễn dịch cộng đồng lan rộng, sớm đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm ra khỏi nước Việt Nam. Tuy nhiên, các bạn không nên đăng “thẻ xanh COVID” lên các trang mạng xã hội, vì có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn mà chúng ta không lường trước được hậu quả bởi bọn tội phạm công nghệ.
Người dùng nên làm mờ các thông tin cá nhân (trong đó có mã QR) trước đưa lên mạng xã hội. Ảnh: TM
Vậy mã QR là gì? Mã QR (QR code) hay mã hai chiều là một mã vạch ma trận (mã phản hồi nhanh) được phát triển bởi công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Chữ “QR” xuất phát từ “Quick Response”, trong tiếng Anh có nghĩa là “đáp ứng nhanh”, vì người tạo ra nó có ý định cho phép mã được giải mã ở tốc độ cao.
Mã QR Code rất linh hoạt, có thể lưu trữ nhiều loại dữ liệu khác nhau. Mỗi mã QR có một phần dành riêng để thông báo cho người đọc loại dữ liệu mà nó lưu giữ nên được mã hóa và giải mã dễ dàng. Cụ thể chúng có thể lưu trữ: vị trí địa lý, văn bản thuần túy, tin nhắn SMS, địa chỉ email, link URL, dữ liệu lịch, dữ liệu liên hệ...
Ở mã QR chứng nhận được tiêm một hay hai mũi vaccine ngừa COVID-19, bên trong ma trận phức tạp ấy đã nhập các dữ liệu thông tin người được tiêm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số CMND (hoặc CCCD), nơi làm việc (nếu có), số điện thoại di động... Chúng ta cứ nghĩ đơn giản là không có gì. Vâng, nếu như hình ảnh này rơi vào tay người tốt. Còn kẻ xấu, nó có thể là một món mồi béo bở để hái ra tiền.
Cụ thể, với các thông tin trên “thẻ xanh COVID” mà kẻ xấu quét ra được (từ việc tìm kiếm từ khóa trên Facebook), có thể sẽ được bán thông tin cá nhân cho bên thứ ba. Từ đó, bên thứ ba có thể dùng vào việc chào mời mua bảo hiểm, ngân hàng, nhà đất, vay tín dụng, chào mời nhận quà bất ngờ...
Nguy hiểm hơn, khi có được trong tay các thông tin cần thiết, kẻ xấu có thể làm CCCD giả, giấy phép lái xe giả, bằng Đại học giả... để mang đi lừa đảo. Và còn vô vàn mối đe dọa khác mà chỉ có bọn tội phạm công nghệ mới nghĩ ra được.
Vì vậy, mọi người hết sức cảnh giác, không nên đưa mã QR, phiếu chứng nhận tiêm vaccine hay bất kỳ thông tin nào có liên quan đến đời tư lên mạng xã hội. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ chúng ta trước bọn tội phạm công nghệ tinh vi.