Cổ phiếu trồi sụt thất thường, doanh nghiệp lấn sân sang bất động sản
Chuỗi phiên tăng giá liên tục, trong đó chủ yếu là tăng kịch trần của BII được xác định từ đầu tháng 7/2021 và chỉ chịu dừng lại từ giữa tháng 9.
Sau 2,5 tháng làm mưa làm gió, giá trị cổ phiếu BII đã tăng vọt gần 5 lần, từ mức giá 6.500 đồng lên đỉnh 31.000 đồng/cp (đáng nói, khoảng thời gian này năm ngoái, BII chỉ được giao dịch trong ngưỡng giá từ 600 đồng đến 1.500 đồng/cp).
Chuỗi ngày hoàng kim đã hết kể từ sau ngày 15/9 tới nay, BII đã trải qua tròn 10 phiên giảm giá, trong đó có tới 9 phiên nằm sàn. Giá cổ phiếu sụt giảm mạnh 49% và kết thúc phiên 5/10 ở mức giá 15.900 đồng.
Tuy nhiên, dường như câu chuyện giá cổ phiếu giảm là việc của các nhà đầu tư đã trót “lên tàu”, các hoạt động của Louis Land bỗng trở nên sôi động chưa từng có trong thời gian gần đây.
Sau khi bất ngờ công bố giải thể hoặc rút vốn tại các công ty con, Công ty cổ phần Louis Land gần đây lại liên tục thông báo mua lại phần vốn của các doanh nghiệp khác. Đầu tiên là việc hoàn tất mua vào một lượng lớn cổ phiếu TDH của Thuduc House để nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,86% lên 5,16%, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn của Thuduc House.
Louis Land chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức sau khi mua thêm hơn 1,46 triệu cổ phiếu TDH, nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,86% lên 5,16%.
Tiếp theo đó, Louis Land công bố thông tin bất thường về việc HĐQT ra nghị quyết mua lại phần vốn góp để trở thành công ty mẹ của Công ty TNHH Mỹ Tân (Công ty Mỹ Tân). Phần vốn góp này có giá trị 28,5 tỷ đồng, tương đương 95% vốn điều lệ của công ty.
Công ty Mỹ Tân có trụ sở tại Bà Rịa Vũng Tàu, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản dù vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 30 tỷ đồng. Được biết, việc Louis Land “bơm” 28,5 tỷ đồng để mua lại 95% cổ phần của Mỹ Tân được xem là động thái làm sống dậy doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động thời gian dài. Mỹ Tân được thành lập từ năm 2010 nhưng đã tạm dừng hoạt động từ năm 2015. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là ông Trịnh Văn Huy. Ông Huy cũng chính là thành viên HĐQT của Louis Land, người vừa có đơn xin từ nhiệm và dự kiến sẽ được miễn nhiệm tại Đại hội cổ đông bất thường diễn ra ngày 2/11 tới.
Mới đây nhất, ngày 1/10 Louis Land công bố thông tin về việc triển khai đầu tư dự án khu chung cư phức hợp Louis Mega Tower (huyện Hóc Môn, TP.HCM). Để thực hiện dự án này, Louis Land góp vốn 340 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 97,14% để trở thành công ty mẹ của Công ty cổ phần Louis Mega Tower.
Động thái này ít nhiều gây bất ngờ cho nhà đầu tư bởi trước đó Louis Land và Thuduc House thỏa thuận thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Louis Mega Tower, trong đó tỷ lệ vốn góp của Thuduc House là 57,33% và Louis Land 38,67% vốn.
Ngoài Louis Mega Tower, hai tổ chức này cũng có kế hoạch triển khai 3 dự án khác là dự án khu dân cư Cần Thơ (1.000 tỷ đồng), dự án Louis Mega City (nhà văn hóa Long Xuyên cũ, 450 tỷ đồng) và dự án Louis Central Plaza (2.000 tỷ đồng).
Doanh nhân kín tiếng Đỗ Thành Nhân, người đứng sau hệ sinh thái Louis Family. |
Bí ẩn doanh nhân Đỗ Thành Nhân
Có thể thấy sau khi về tay đại gia kín tiếng Đỗ Thành Nhân và gia nhập hệ sinh thái “Louis Family”, Louis Land (trước đây là Công ty Bảo Thư) chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản. Hệ sinh thái Louis của ông Đỗ Thành Nhân còn có Louis Capital (tên cũ là CTCP Đầu tư Xây dựng Trường An, mã chứng khoán TGG) và Angimex (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang, mã chứng khoán AGM). Đây là hai doanh nghiệp đang cùng Louis Land thực hiện dự án nhà văn hóa Long Xuyên, An Giang với tổng giá trị 1.452 tỷ đồng. Trong đó, Angimex và Louis Capital cùng góp 50 tỷ đồng, tương đương 20%; Louis Land đầu tư 150 tỷ đồng, chiếm 60%.
Dù đã rút lui khỏi HĐQT Louis Land, nhưng ông Đỗ Thành Nhân được cho là người đứng sau doanh nghiệp này. Hiện ông đang trực tiếp sở hữu 1,65 triệu cổ phiếu BII, tương đương 2,87% vốn điều lệ doanh nghiệp này.
Ông Nhân cũng là cổ đông lớn, đồng thời Chủ tịch HĐQT Angimex. Vị đại gia này cũng là cổ đông lớn, thành viên HĐQT của Louis Capital.
Tại Louis Capital, ông Đỗ Thành Nhân hiện sở hữu 1,39 triệu cổ phiếu TGG, tương đương 5,12% vốn điều lệ. Còn tại Angimex, ông sở hữu 1,48 triệu cổ phiếu AGM, tương đương 8,16% vốn điều lệ công ty.
Ngoài ra, ông Nhân còn gián tiếp sở hữu cổ phiếu của các doanh nghiệp nói trên thông qua một thành viên khác trong hệ sinh thái “Louis Family” là Louis Holdings, doanh nghiệp do ông làm Chủ tịch HĐQT.
Trước khi đến với lĩnh vực bất động sản, ông Đỗ Thành Nhân được biết đến là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lương thực với sản phẩm gạo. Angimex Food (thành viên của Angimex) được biết đến là một trong số các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam.
Một điểm trùng hợp khá thú vị là cổ phiếu TGG của Louis Capital sau hơn 1 tháng liên tục tăng trần cũng đã quay đầu giảm giá với chuỗi 8 phiên giảm giá (7 phiên sàn) gần đây. Trong khi đó, cổ phiếu AGM sau một thời gian tăng giá cũng đang có dấu hiệu trồi sụt trong 2 tuần gần đây.
Giữa tháng 9 vừa qua, CTCP Louis Capital thông báo đã hoàn tất mua vào 7,35 triệu cổ phiếu, tương đương 5% cổ phần của CTCP DAP - Vinachem (mã chứng khoán DDV), một đơn vị đơn vị chuyên sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Vinachem đang có kế hoạch thoái vốn DDV về dưới 51% hoặc có thể về 0%, không loại trừ khả năng TGG tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu nhờ việc thoái vốn của Vinachem.
Trong một diễn biến tương tự, Louis Capital đã đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán APG (mã chứng khoán APG) từ ngày 15 - 30/9/2021. Nếu giao dịch diễn ra thành công, Louis Capital sẽ trở thành cổ đông lớn của APG với tỷ lệ sở hữu 5,06%.
Trước DDV và APG, Louis Capital đã hoàn tất mua vào gần 1,25 triệu cổ phiếu SMT, tương ứng 22,8% cổ phần của CTCP Sametel và chính thức trở thành cổ đông lớn từ ngày 26/8. Louis Capital đang có kế hoạch mua 2,8 triệu cổ phiếu SMT, tương ứng với tỷ lệ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để trở thành công ty mẹ nắm quyền chi phối Sametel.
Hiền Anh
Infonet