Theo hãng tin Reuters, ngày càng nhiều nhà đầu tư lo lắng nguy cơ đổ vỡ thị trường bất động sản tại Trung Quốc, qua đó kích thích một đợt bán tháo chứng khoán tại nước này. Nguyên nhân chính là việc hàng loạt tổ chức tín dụng hạ mức xếp hạng tín nhiệm cũng như tình trạng không rõ ràng của "chúa nợ" Evergrande khi liên tục lỡ hẹn thanh toán nợ đáo hạn.
Mọi chuyện bắt đầu khi tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc và là hãng nợ nhiều nhất trong ngành này trên thế giới đối mặt khoản tín dụng khó trả lên đến hơn 300 tỷ USD, bao gồm cả gần gần 20 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ.
Tháng 9/2021, Evergrande lỡ hạn thanh toán với 2 khoản trái phiếu bằng đồng USD và hãng đang cố gắng bán bớt tài sản để trả nợ trong vài tuần qua. Nguy cơ vỡ nợ của một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại về một sự sụp đổ dây chuyền tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khi xếp hạng tín nhiệm bị hạ thấp.
Hệ quả tất yếu của tình trạng trên là thị trường chứng khoán nước này phải đối mặt áp lực bán tháo mạnh, nhất là sau khi một tập đoàn bất động sản khác-Fantasia cũng cho biết không thể trả nợ đúng hạn 206 triệu USD trên thị trường tín dụng quốc tế.
Trước đó, xếp hạng tín nhiệm của Fantasia đã bị nhiều tổ chức tín dụng hạ bậc, qua đó cho thấy tương lai u tối về khả năng hồi phục, đồng thời khiến các chủ nợ lo ngại về tính minh bạch của các công ty bất động sản tại Trung Quốc.
Dù nhiều quan chức đã trấn an về nguy cơ sụp đổ dây chuyền từ Evergrande nhưng việc những công ty nhỏ như Fantasia hay mới đây nhất là Sinic Holding liên tục tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ đúng hạn đã khiến nhiều người lo lắng.
Cụ thể ngày 5/10, hãng Sinic đã tuyên bố không có khả năng thanh toán lãi vay đúng hạn và bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.
Tổ chức S&P Global Ratings đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Sinic và đánh giá công ty này đang lâm vào khó khăn thanh khoản cũng như mất khả năng thanh toán nợ.
Theo S&P, hãng Sinic nhiều khả năng sẽ vỡ nợ khoảng 246 triệu USD đáo hạn vào ngày 18/10 tới đây.
"Kể từ sau vụ Evergrande, nhà đầu tư ngày càng lưu tâm hơn đến khả năng thanh toán nợ của các công ty bất động sản Trung Quốc", chuyên gia Thomas Kwok của hãng môi giới chứng khoán CHIEF tại Hong Kong nhấn mạnh.
Hãng tin Reuters nhận định tình hình thanh toán nợ của các hãng bất động sản Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn khi họ không thể đảo nợ bằng cách phát hành trái phiếu mới. Trong khi đó, khả năng hút vốn từ nhà đầu tư qua các dự án cũng trở nên khó khăn hơn do chính phủ siết chặt các quy định.
"Đây là một vòng luẩn quẩn với những hãng bất động sản không đủ khỏe, bởi nguồn vốn hiện có trên thị trường không thể cứu tất cả mọi công ty", chuyên gia Kwok nhận định.
Tác động tiêu cực
Việc bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm và nguy vỡ nợ với những khoản vay đáo hạn sắp tới sẽ liên tục đè nặng áp lực tìm nguồn vốn mới với các công ty bất động sản Trung Quốc. Theo hãng tin Reuters, tổng số nợ đáo hạn mà các hãng bất động sản Trung Quốc phải đối mặt trong 2 năm tới lên đến gần 300 tỷ USD.
Trước tình hình này, không có gì khó hiểu khi thị trường trái phiếu và cổ phiếu đỏ sàn. Giá trái phiếu của Fantasia đã giảm xuống dưới 30 cent trong khi hàng loạt hãng bất động sản khác như Kaisa Group hay Central China Real Estate cũng gặp tình cảnh tương tự.
Báo cáo của IHS Markit Data cho thấy chi phí bảo đảm cho các khoản trái phiếu của công ty Trung Quốc cũng đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong 16 tháng qua.
"Nếu toàn ngành bất động sản Trung Quốc đang chịu sức ép thì cuối cùng chúng sẽ trở thành vấn đề lớn cho nền kinh tế. Bởi vậy tôi cho rằng chính phủ tốt nhất nên ra tay giải quyết nhằm hạn chế hậu quả", một chuyên viên phân tích tại London xin được giấu tên trả lời hãng tin Reuters.
Hiện Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 7 ngày bắt đầu từ 1/10 nên phía chính phủ chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào.
Trước đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hối thúc các tổ chức tài chính và chủ nợ hợp tác với cơ quan địa phương nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản.
Hãng tin Reuters cho biết chỉ số đo lường trái phiếu phát hành bằng đồng USD của Trung Quốc-MERACYC đã xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020 và thấp hơn 20% kể từ tháng 5/2021. Trong khi đó, các chỉ số tương đương lại gia tăng ở Mỹ và Châu Âu khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Phiên 5/10 vừa qua, chỉ số đo theo dõi cổ phiếu các công ty bất động sản trên sàn Hong Kong-HSMPI đã giảm 1,8%, trái ngược hẳn với đà tăng 0,3% của toàn thị trường.
Cổ phiếu của các hãng bất động sản như Guangzhou R&F Property hay Sunac China đều giảm tương ứng 10% trong phiên.
Nguy cơ bán tháo tài sản
Hiện các nhà đầu tư đang vô cùng lo lắng bởi tổng nợ của mảng bất động sản tương đương ¼ GDP của Trung Quốc. Trong khi đó, cổ phiếu của "chúa nợ" Evergrande đã bị ngừng giao dịch phiên thứ 2 liên tiếp.
Chính Evergrande Property Services đã đề nghị tạm dừng giao dịch để thực hiện việc bán bớt tài sản trả nợ. Tờ Global Times cho hay hãng Hopson Development đã đồng ý mua lại 51% cổ phần của công ty này với giá 5,1 tỷ USD, nhưng thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng.
Theo Reuters, nếu như chính xác thì khoản tiền 5,1 tỷ USD từ bán bớt cổ phần trên sẽ giúp Evergrande thanh toán được phần nào các khoản nợ đáo hạn trong thời gian ngắn sắp tới. Tập đoàn này còn khoản nợ trái phiếu đáo hạn 500 triệu USD vào cuối năm nay và 2 tỷ USD nữa vào tháng 3/2022.
Các chuyên gia cho biết việc Evergrande vẫn đang đàm phán bán bớt tài sản cho thấy nỗ lực của công ty nhằm trả nợ. Tuy nhiên chính điều này cũng đang tạo áp lực lên các hãng bất động sản khác khi nhiều dự án bị bán tháo hoặc hạ giá để trả nợ, qua đó kích thích một cuộc bán tháo hàng loạt gây ảnh hưởng dây chuyền cho nền kinh tế.
*Nguồn: Reuters
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.17990540160011202-couq-gnurt-nas-gnod-tab-gnourt-iht-naot-od-pus-oc-yugn/nv.zibefac