Giá than, khí đốt tăng vọt trong thời gian qua đã khiến Trung Quốc, các nước châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về hệ thống điện của Việt Nam liệu có đi vào “vết xe đổ”?
Theo thông tin từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Trung Quốc là nước có hệ thống điện đứng đầu thế giới về mọi mặt. Sản lượng điện năm 2020 của nước này đạt 7.620 tỷ kWh, cùng với hệ thống đường dây truyền tải siêu cao áp 800kV và 1.000 kV… Sản lượng điện của Trung Quốc vẫn liên tục tăng trưởng trong thời gian qua.
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh). (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Thời gian qua, hàng loạt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc nhận được yêu cầu phải cắt giảm tiêu thụ điện năng, tình trạng thiếu điện cho sản xuất, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Chuyên gia Đào Nhật Đình, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, việc thiếu điện của Trung Quốc thời gian qua xuất phát từ việc nước này gia tăng đột biến lượng tiêu thụ điện do tăng cường sản xuất đáp ứng phục hồi sau COVID-19, cùng với đó là thời tiết, khiến người dân sử dụng điện nhiều hơn.
Nguyên nhân tiếp theo được chỉ ra là với tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, nhưng không đủ lưu trữ đã làm cho công suất lắp đặt có vẻ dư thừa, nhưng lại không đáp ứng được phụ tải khi cần.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, giả sử nguồn điện tái tạo gồm mặt trời và gió của Trung Quốc với công suất hơn 500 GW, nhưng vì là nguồn điện không chủ động, nên lúc cao điểm vào chập tối sẽ mất 50% nguồn điện mặt trời. Những lúc gió chỉ thổi
Ở mức 10% so với bình thường, tức là công suất điện gió cũng chỉ đạt khoảng gần 30 MW (như ngày 7/1/2021). Như vậy, công suất lắp đặt hơn 550 GW, nhưng thực chất điện tái tạo chỉ tạo ra khoảng 30 GW bền vững ở mọi thời điểm. Trong khi đó, thủy điện với biến đổi khí hậu đã khiến nước về các hồ không đều, công suất khó có thể đảm bảo.
Như vậy, chỉ còn lại điện than và điện khí. Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chỉ ra rằng do giá nhiên liệu than và khí đốt tăng cao, trong khi giá bán lẻ điện không đổi làm cho nhiệt điện không mang lại lợi nhuận, thậm chí có thời điểm lỗ khi phát điện. Điều này khiến các công ty nhiệt điện không có động lực để phát điện. Thêm nữa, các cam kết về biến đổi khí hậu buộc một số tỉnh của Trung Quốc phải cắt giảm sử dụng điện nhằm đạt tỷ lệ phát thải CO2/GDP, không được phép tăng tổng phát thải.
Từ những nguyên nhân thiếu điện của Trung Quốc, vị chuyên gia từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, hệ thống điện Việt Nam cần lưu ý khi xác định cơ cấu nguồn điện, nhất là phải tính đến tỷ lệ công suất hợp lý của năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống theo từng giai đoạn, vấn đề lưu trữ năng lượng, cũng như lưu ý những yếu tố bất ngờ của biến đổi khí hậu (tác động ảnh hưởng đến cả nguồn công suất phát điện, phụ tải tiêu thụ điện), khả năng tăng giá bán lẻ điện và vận hành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Ở góc nhìn khác, theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), việc nguyên liệu đầu vào như than đá phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam và "cuộc khủng hoảng" Việt Nam có thể nhìn nhận việc thiếu điện ở Trung Quốc như một bài học.
Lý giải điều này, bà Khanh cho rằng, cơ cấu và tỉ trọng ngành điện của Việt Nam theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ khá giống với hệ thống điện của Trung Quốc, đó là phụ thuộc vào thủy điện lớn, nhiệt điện than và khí.
"Việc này sẽ tạo rủi ro rất lớn, bởi hầu hết các dự án điện than mới đều sử dụng nguồn than nhập khẩu, trong khi giá than trên thị trường thế giới đang tăng "phi mã", bà Khanh nói.
Thực tế, giá than 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn, tăng tới 150%. Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe), giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15- 16 UScent/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình năng lượng tái tạo. Trong khi giá than nhiên liệu hiện chiếm tới 60% giá thành điện sản xuất từ than.
Với tỉ trọng điện hóa thạch cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế carbon của các nước phát triển và mất đi ưu thế cạnh tranh. Đồng thời, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon mà họ cam kết.
"Tôi cho rằng, nhìn lại ngành năng lượng Việt Nam, đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách thay đổi. Nhìn từ thực tiễn và kinh nghiệm của Đan Mạch, khi họ vượt qua khủng hoảng năng lượng ở thập niên 70 là chọn nguồn nhiên liệu 0 đồng, năng lượng tái tạo. Họ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí và sau mấy chục năm họ thành nước xuất khẩu công nghệ điện gió", bà Khanh nhấn mạnh.
VTV.vn - Năng lượng vẫn đang là chủ đề nóng với các nền kinh tế toàn cầu trong tuần qua. Khi mùa đông đang đến gần, khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!