Thông tin này được Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 12/10.
Đầu tháng 7, Nghị quyết 68 ban hành có quy định về gói 7.500 tỷ do Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% trả lương nhân viên.
Ngoài điều kiện doanh nghiệp phải dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc cho người lao động ngừng việc tối thiểu 15 ngày liên tục (từ 1/5 đến hết tháng 3 năm sau), hai điều kiện cần khác là không có nợ xấu và phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020.
Ba điều kiện để tiếp cận gói này do Bộ Lao động và Thương Binh xã hội đặt ra đã nới lỏng hơn so với gói trước đây, nhưng thực tế vẫn phát sinh nhiều vướng mắc. Tính đến cuối tháng 9, gói này mới cho vay được khoảng 461 tỷ đồng (khoảng 6% gói 7.500 tỷ) cho chưa đến 1.000 khách vay vốn để trả lương hơn 130.700 lượt người lao động.
Con số giải ngân này theo Phó thống đốc chưa phải là lớn, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Xét thấy một số điều kiện cần được sửa đổi để "đi vào thực tiễn hơn", Ngân hàng Nhà nước phối hợp bộ ngành đã đề xuất Chính phủ cho phép bỏ hai yêu cầu về nợ xấu và quyết toán thuế.
"Dự kiến nếu Chính phủ cho ý kiến trong một đến hai ngày tới, gói cho vay lãi suất 0% có thể chỉ còn một điều kiện duy nhất là doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc cho lao động có đóng bảo hiểm xã hội ngừng việc trong ít nhất 15 ngày", Phó thống đốc cho biết.
Tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, đến cuối tháng 9, các ngân hàng đã cơ cấu lại hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1 năm ngoái khoảng 531.000 tỷ đồng.
Quỳnh Trang