Dân số vùng lõi vượt dự báo của quy hoạch
Sau 10 năm thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (theo quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ) đến nay, Hà Nội đang tổ chức đánh giá, nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể quy hoạch này do bộc lộ một số bất cập. Một trong những bất cập đó là tốc độ gia tăng dân số khu vực nội đô đã vượt mức dự báo của quy hoạch 1259.
Cụ thể, quy hoạch 1259 cho đưa ra dự báo dân số toàn toàn TP đến năm 2020 khoảng 7,3 - 7,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá 58 - 60%. Đến năm 2030, dân số khoảng 9 - 9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá 65 - 68%. Đến năm 2050 đạt ngưỡng dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 70 - 80%.
Quy hoạch này cũng đưa ra dự báo mật dộ dân số của HN vào năm 2020 là 2.188 người/km2, tại khu vực trung tâm là khoảng 5.000 người/km2, đến năm 2030 mật độ dân số khu nội đô lịch sử cao nhất từ 20.000 - 25.000 người/km2 và thấp dần về phía khu vực xa trung tâm...
Tuy nhiên theo kết quả tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 và Niên giám thống kê TP năm 2020 cho thấy dân số vào năm 2020 đã đạt mức gần 8,25 triệu người, vượt so với mức trần dự báo nhất là hơn 320 nghìn người.
Dân số tại 12 quận nội đô cũng tăng tới 19,43% với mật độ gần 10.000 người/km2, cao gấp 2 lần so với dự báo.
Đặc biệt quy hoạch 1259 cũng đưa ra ra chỉ tiêu dân số tại khu vực nội đô lịch sử (với tổng diện tích là 3.800 ha) là 0,8 triệu người, nhưng đến nay dân số khu vực này đã tăng đến hơn 1,2 triệu người (vượt hơn 400 nghìn người).
Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô, trong đó định hướng lập các chuỗi đô thị tại khu vực phía Bắc sông Hồng.
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đến nay các quận nội đô lịch sử và 3 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai đã hết quỹ đất để phát triển. Chỉ còn một số quận mới như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông là còn quỹ đất để để phát triển đô thị, bố trí dân cư theo chỉ tiêu quy hoạch, tuy nhiên quỹ đất tại các khu vực này cũng đang thu hẹp dần.
Tốc độ dân số tăng nhanh chóng tại khu vực nội đô của Hà Nội đã dẫn đến mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất, gây áp lực lên hạ tầng giao thông, môi trường, đô thị và hàng loạt các bất cập khác. Điều này trở thành điểm nghẽn trong phát triển đô thị của Hà Nội.
Thêm chuỗi đô thị để giãn dân
Để tháo gỡ điểm nghẽn này, vào tháng 5-2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Gần đây nhất ngày 11-10, UBND TP Hà Nội cũng đã tổ chức hội thảo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để tập hợp các đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nhà quản lý nhà nước để khơi thông điểm nghẽn này.
Tại hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay trong các nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội thì vấn đề hạn chế gia tăng dân số khu vực nội đô cũng đã được đặt ra.
Trong đó, khu vực nội đô lịch sử tiếp tục kiên định với chủ trương giảm dân số xuống mức 0,8 triệu người theo quy hoạch 1259. Khu vực nội đô mở rộng không tăng thêm dân số. Đặc biệt, định hướng nghiên cứu bổ sung dân số cho khu vực Bắc sông Hồng và chuỗi đô thị phía đông Vành đai 4 – Vùng thủ đô để khai thác, sử dụng đất được hiệu quả hơn.
Cụ thể ông Huy cho biết Hà Nội sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” với kế hoạch đưa 3 huyện phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và 1 đô thị phía Tây (Hòa Lạc) lên TP. Trong đó dự kiến sẽ bổ sung cho chuỗi đô thị tại khu vực phía Bắc sông Hồng thêm khoảng 1,2 – 1,5 triệu dân.
Liên quan đến định hướng này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay các định hướng đưa ra trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là những vấn đề lớn, cần rà soát, đánh giá, nghiên cứu kỹ từng vấn đề cụ thể.
Ông đề nghị TP cần đặc biệt chú trọng giải quyết bài toán gia tăng dân số nội đô. Cùng với đó, chuyên gia này cũng cho rằng Hà Nội nên thận trọng, làm bài bản trong việc nghiên cứu mô hình "thành phố trong thành phố”.