Ngày 14-10, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới", lắng nghe ý kiến của lãnh đạo ngành du lịch, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp (DN) xung quanh giải pháp và hướng triển khai để du lịch sớm trở lại ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian sớm nhất.
Gạt bỏ thiệt hại, tìm cơ hội trở lại
Là DN đã có mặt trên thị trường hơn 46 năm qua, với gần 100 đơn vị thành viên trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng nhưng ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), thừa nhận đại dịch Covid-19 ảnh hưởng quá nặng nề và chưa từng có, đặc biệt trong thời gian các địa phương giãn cách xã hội nghiêm ngặt để chống dịch.
Hiện tại, Saigontourist đã chuẩn bị phương án tái khởi động cụ thể tại từng đơn vị, từng địa phương với mục tiêu sản phẩm, dịch vụ phát triển phải bảo đảm an toàn, giá thực sự cạnh tranh, đi kèm các chương trình khuyến mãi, hậu mãi đặc biệt. "Để ngành du lịch sớm trở lại, chúng tôi kiến nghị có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng DN du lịch, cùng việc kết nối làm việc cụ thể với lãnh đạo các tỉnh, thành, DN đối tác lớn để chuẩn bị những kế hoạch hợp tác khi các địa phương chính thức mở cửa du lịch" - ông Võ Anh Tài nói.
Du khách tham quan các điểm đến ở Củ Chi, TP HCM ngày 13-10. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Du lịch và hàng không là 2 ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông Vietnam Airlines, đánh giá trong 60 năm ngành hàng không dân dụng Việt Nam, giai đoạn vừa qua là những ngày "lịch sử". Có những ngày không có một chuyến bay nào trên bầu trời. "Chúng tôi phải tháo ghế của gần 20/100 máy bay để chở hàng. Nói ra để thấy rằng DN thực sự khó khăn, song không có nghĩa là dừng lại mà đã có sự thay đổi. Hiện DN đã có sự chuẩn bị, duy trì độ sẵn sàng của máy bay theo tiêu chuẩn quốc tế; làm việc với các địa phương chuẩn bị cho phục hồi. Chúng tôi vừa làm việc với Vingroup, Sun Group, Saigontourist Group để thí điểm tour Côn Đảo - Hồ Tràm" - ông Đặng Anh Tuấn kỳ vọng.
Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc Sun Hospitality Group, cho biết ngay trong gian đoạn giãn cách, Sun Group đã tranh thủ lập chiến dịch "phủ áo mới" cho các cơ sở nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ tốt nhất khi khách hàng nội địa và quốc tế quay trở lại. Xây dựng sản phẩm dịch vụ mới, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Hay áp dụng chuyển đổi số bởi đây là yêu cầu cần thiết đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, nhất là hạn chế tiếp xúc theo yêu cầu an toàn.
Mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng, du lịch khó khôi phục
Xác định mở cửa trở lại ngành du lịch thời điểm này là cần thiết, góp phần khôi phục kinh tế và hỗ trợ DN sớm phục hồi. Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến, lãnh đạo nhiều địa phương đều cho biết đang triển khai giải pháp khôi phục kinh tế, trong đó có ngành du lịch.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, bày tỏ tỉnh rất mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để có hội nghị trực tiếp tại Sa Pa, bởi nơi này thời điểm hiện tại đang rất đẹp với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, sẵn sàng đón khách.
Trong khi đó, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho hay thành phố vừa làm việc với tỉnh Tây Ninh để cùng mở tour khép kín giữa Củ Chi - Núi Bà Đen, bắt đầu đón khách từ ngày 16-10. Tuần tới, ngành du lịch thành phố cũng sẽ xúc tiến du lịch ở miền Trung. Người dân thành phố hiện nay có khoảng 98% người trên 18 tuổi đã tiêm xong mũi 1 và mũi 2 đã hơn 70% là điều kiện an toàn để các nơi đón khách từ thành phố, cùng với áp dụng 5K và tiêu chuẩn an toàn. "Đi du lịch cần tâm lý thoải mái cho du khách nhưng vẫn phải bảo đảm tổ chức điểm ăn, điểm đến, một vài điểm bán hàng cho khách hàng... Từ đây đến năm 2022, thành phố sẽ vừa phát triển du lịch vừa phòng chống dịch bệnh và mong các địa phương tạo điều kiện để thống nhất những tiêu chí phòng chống dịch" - bà Phan Thị Thắng nói.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cũng nhìn nhận trong câu chuyện khôi phục kinh tế, gồm cả ngành du lịch, đóng thì dễ, mở mới khó. Muốn khôi phục trở lại cần làm "ấm hòn than hồng". Hiện có 3 xu hướng, khách du lịch có nhu cầu đi theo nhóm nhỏ, đi gần và đi xa. Do đó, du khách thích trở về thiên nhiên, sinh thái, du lịch biển là xu thế phù hợp.
Theo ông Phong, Quảng Bình đã ban hành ngay văn bản khung về khôi phục dịch vụ du lịch trong trạng thái bình thường mới; hướng dẫn an toàn về y tế, theo tinh thần của Chính phủ... tạo sự yên tâm, thoải mái cho du khách. Tỉnh cũng vừa thí điểm du lịch trọn gói khi phê duyệt cho Công ty Oxallis trong 2 tháng tổ chức tour trọn gói "1 cung đường - 2 điểm đến" từ các địa phương khác tới Quảng Bình. Từ những đốm lửa này, hy vọng sẽ có tín hiệu khả quan trong thời gian tới.
Thống nhất tiêu chí an toàn để cùng nhau triển khai, theo lãnh đạo nhiều địa phương là điều kiện tiên quyết trong việc mở cửa ngành du lịch để đón khách trở lại. Bởi theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng, du lịch khó khôi phục. Hiện tỉnh đã quyết định mở cửa nhiều hoạt động từ ngày 15-10, trong đó có hoạt động lưu trú đáp ứng điều kiện không quá 50% công suất. Sở Du lịch tỉnh Bình Định được giao xây dựng đề án đón các chuyến bay quốc tế trong tháng 12. Tuy nhiên, để bảo đảm được hiệu quả khi mở cửa cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương, đặc biệt là những DN kinh doanh lĩnh vực này. "Việc kết nối địa phương là rất quan trọng. Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để địa phương thống nhất với nhau điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng" - ông Lâm Hải Giang nói.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, nhận định một trong những tiêu chí để đón khách trở lại là phủ vắc-xin thì Đà Nẵng đã có trên 93% dân số tiêm mũi 1 và khoảng 13% tiêm mũi 2. Đà Nẵng cũng đang bước vào bình thường mới để khôi phục trở lại và xây dựng 2 phương án: Đón khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Ông Bình kiến nghị sớm có hướng dẫn thống nhất đón và phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế để các địa phương triển khai đồng bộ.
Trong khi đó, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay tỉnh đề cao việc mở cửa đi lại giữa các địa phương bằng đường hàng không và sẽ mở cửa đón khách nội địa từ tháng 12, cũng như chuẩn bị đón khách quốc tế đi theo tour để kiểm soát và thích ứng dần từng bước, chứ chưa đón khách quốc tế tự do. Từ nay đến cuối năm, Quảng Nam sẽ mở cửa từng bước, gắn với phủ vắc-xin, thận trọng theo hướng dẫn thích nghi an toàn, linh hoạt...
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, phân tích điều DN lo lắng nhất trong câu chuyện khôi phục kinh tế là "mở ra nếu không quản trị được thì đóng lại". Thực tế, năm 2020 từng có chương trình kích cầu lớn nhưng tháng 7 lại đóng, cuối năm cũng thế. Mở lại hoạt động du lịch không hề đơn giản nếu không tính toán quản trị để hoạt động bền vững thì không bảo đảm.
Ngay trong tháng 10, chúng tôi triển khai du lịch nội tỉnh, tháng 11 đón khách ngoại tỉnh. Nếu ổn sẽ khai thác khách du lịch đến vịnh Hạ Long, Yên Tử với tính chất riêng tư, độc lập. Phải làm tốt không để xảy ra tình trạng nay mở, mai đóng. Các bộ, ngành nên quan tâm, đồng hành với địa phương, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, chia sẻ chi phí với DN" - ông Phạm Ngọc Thủy góp ý.
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Một giải pháp được ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đề xuất là ứng dụng công nghệ để du lịch an toàn. Cụ thể, khi mở cửa trở lại không chỉ điểm đến, địa phương đón khách mà cả du khách và DN lữ hành cũng cần bảo đảm vấn đề dịch tễ, tiêu chuẩn, xét nghiệm... "Muốn vậy, chúng ta nên ứng dụng công nghệ để nắm thông tin về du khách khi họ tới, từ đó sẽ biết địa phương đón bao nhiêu khách, lịch sử dịch tễ và có xét nghiệm bảo đảm an toàn không. Như đi bằng máy bay thì đã có thông tin rõ ràng nhưng còn đường bộ, đường thủy, tàu hỏa..., du khách ghé các cơ sở dịch vụ, du lịch trên đường có thể gây rủi ro, phát sinh dịch tễ. Ứng dụng công nghệ là cần thiết để lưu trữ thông tin của du khách kết nối và bảo đảm giữa các nơi đến, quét QR code hết ở các điểm đi qua" - ông Trần Hữu Thế phân tích.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Xem thêm: mth.4365951241011202-hcil-ud-ioh-cuhp-aul-nogn-mohn-gnuc/et-hnik/nv.moc.dln