Hướng dẫn người dân lên xe về quê từ TP.HCM - Ảnh: K.T.
Bộ Y tế có văn bản gửi các tỉnh thành, đề nghị giám sát người về từ các khu vực có dịch COVID-19. Theo Bộ Y tế, tại một số tỉnh, thành nơi có người dân trở về từ vùng dịch COVID-19 (đặc biệt từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An) đã ghi nhận nhiều người dương tính.
Để có số liệu theo dõi, quản lý kịp thời, không để dịch COVID-19 lây lan giữa các tỉnh thành và báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng, đảm bảo người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo.
Chủ động theo dõi chặt chẽ người về từ các địa phương, khu vực có dịch COVID-19 vừa hết giãn cách, nhất là từ các địa phương có số mắc COVID-19 cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
Xét nghiệm, tổ chức cách ly tập trung, tại nhà căn cứ tình hình địa phương, theo dõi sức khỏe và phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thống kê số lượng người về từ các địa phương, khu vực có dịch COVID-19 kể từ ngày 7-10 đến nay và hằng ngày, gửi thông tin về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) trước 16h để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia.
Ngay những ngày đầu người dân đổ về quê, Bộ Y tế cho biết trong số 157.000 người đã về quê từ các tỉnh vùng dịch, trên 1.000 người được phát hiện dương tính.
Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin cho trẻ 12-17 tuổi từ ngày 22-10
Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo công văn số 8688 của Bộ Y tế ngày 14-10.
Theo đó, Sở Y tế TP đề xuất thời gian tiêm từ ngày 22-10. Đối tượng tiêm là tất cả trẻ từ 12 đến 17 tuổi (từ lớp 6 đến 12) đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP.
Dự kiến số lượng được tiêm khoảng 780.000 trẻ. Loại vắc xin tiêm đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, sử dụng 2 liều cơ bản/người và tiêm cùng loại vắc xin.
Ngoài TP.HCM, hiện có rất ít địa phương có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ. Loại vắc xin được sử dụng đợt này là vắc xin nào là vấn đề rất được quan tâm. Tại Việt Nam hiện có 3 loại vắc xin có chỉ định sử dụng cho trẻ em, trong đó có vắc xin Pfizer.
Dù việc phát triển và phê duyệt vắc xin COVID-19 được rút ngắn tối đa so với quy trình bình thường, các loại vắc xin COVID-19 đang được lưu hành đã vượt qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt của nhiều cơ quan quản lý y tế - Ảnh: REUTERS
Còn tồn 28 triệu liều vắc xin trong kho
Bộ Y tế vừa cho biết cả nước đã tiêm được trên 59 triệu mũi vắc xin COVID-19, kho bảo quản cả nước còn tồn 28 triệu liều vắc xin đang tiếp tục triển khai tiêm, công suất tiêm chủng đang ở mức trung bình 1,1-1,2 triệu mũi/ngày tính từ đầu tháng 10.
Từ nay đến cuối tháng 10, vắc xin sẽ về nhiều; để đảm bảo sử dụng vắc xin nhanh, tăng nhanh diện bao phủ, sớm chuyển sang bình thường mới, cần đảm bảo tiến độ tiêm chủng nâng lên ít nhất 2 triệu mũi/ngày, gấp đôi so với hiện nay.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho nhóm 18 tuổi trở lên, đặc biệt là nhóm từ 50 tuổi trở lên; tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai ngay mũi 2 cho người tiêm mũi 1 đủ thời gian, triển khai tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo số liệu ước tính tỉ lệ dân số từ 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam khoảng 18%, tăng nhanh trong khoảng 2 tháng gần đây. Tuy nhiên so với khu vực Đông Nam Á, con số này vẫn đang ở mức thấp gần nhất khu vực.
Học sinh Hà Nội tiếp tục học trực tuyến
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản thông báo học sinh Hà Nội tiếp tục học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới và triển khai tiêm vắc xin khi có hướng dẫn chuyên môn.
Hiện toàn TP Hà Nội là vùng xanh và theo hướng dẫn ngày 12-10 của Bộ Y tế thì vùng xanh được học tại trường trở lại.
TTO - Ngày 15-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Úc tại Việt Nam, bà Robyn Mudie, tại Văn phòng Thủ tướng ở Hà Nội để trao đổi về mối quan hệ giữa hai nước trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Úc.