Người dân phường 2, quận Phú Nhuận được lấy mẫu xét nghiệm kháng thể - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đều khuyến cáo không nên sử dụng xét nghiệm kháng thể để xác định mức độ miễn dịch của một người trước COVID-19. Cộng đồng chuyên gia về bệnh truyền nhiễm IDSA của Mỹ cũng có lời khuyên tương tự.
Kháng thể là phân tử protein mà hệ miễn dịch tạo ra để vô hiệu hóa các loại virus hoặc vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Xét nghiệm kháng thể hiển thị sự tồn tại hoặc mức độ kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trong máu, nhưng các nhà khoa học không biết nồng độ kháng thể bao nhiêu là đủ để giúp bảo vệ con người khỏi COVID-19.
Trong các trường hợp mắc những bệnh truyền nhiễm quen thuộc hơn như viêm gan A, viêm gan B, bệnh sởi..., nồng độ kháng thể giúp chuyên gia y tế biết liệu một bệnh nhân có miễn dịch hay chưa.
Tuy nhiên, do những hiểu biết hiện nay của chúng ta về bệnh COVID-19 chưa nhiều, các bác sĩ cho biết nồng độ kháng nguyên chưa thể đem lại những thông tin tương tự.
Bác sĩ Mary Hopkins, người phụ trách điều phối Chương trình bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Tufts, cho biết: "Hiện chúng ta chưa biết giá trị nào đồng nghĩa với khả năng miễn dịch. Xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 có một số lợi ích, nhất là để xác định liệu một người có triệu chứng giống COVID-19 đã nhiễm COVID-19 mà không bị phát hiện hay không. Tuy nhiên, nhiều người hiện tìm đến xét nghiệm này không phải vì những lý do đó".
Alan Wells, người phụ trách y khoa của các phòng thí nghiệm lâm sàng của Bệnh viện Đại học Pittsburgh, cho biết: "Các bác sĩ yêu cầu xét nghiệm kháng thể đối với những người lo ngại về miễn dịch kèm, nhưng tôi cho rằng có vấn đề. Nên biết rằng, đối với một người bình thường, giá trị kháng thể sau 8 tháng kể từ khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên là tương đối thấp".
Theo bác sĩ Wells, nói chung, càng nhiều kháng thể càng tốt, nhưng ngay cả với một lượng kháng thể thấp sau khi đã được tiêm hoặc nhiễm bệnh, cơ thể vẫn được bảo vệ chống lại virus bằng cách tạo ra kháng thể mới phản ứng với đợt nhiễm mới. Ông nhấn mạnh: "Vấn đề nằm ở phản ứng miễn dịch hơn là nồng độ kháng thể (đã được tạo ra)".
Các bác sĩ cho biết một vấn đề nữa với xét nghiệm kháng thể là chưa được chuẩn hóa nên các giá trị gắn với các xét nghiệm kháng thể phiên bản khác nhau không tương đồng với nhau.
Một số xét nghiệm kháng thể có thể đưa ra kết quả nồng độ kháng thể bằng số, nhưng các xét nghiệm của các nhà sản xuất khác nhau không đưa ra cùng một con số. Vì vậy, không thể xác định đâu là ngưỡng cho thấy một người có đủ miễn dịch.
Tuy nhiên, bác sĩ Hopkins cho biết xét nghiệm kháng thể hữu ích với các bệnh nhân nghi nhiễm các triệu chứng COVID-19 kéo dài sau khi đã mắc và khỏi bệnh. Nếu ai đó không được xét nghiệm PCR đúng lúc, cách tốt nhất để xác định khả năng phơi nhiễm sau đó chính là dùng xét nghiệm kháng thể, thậm chí nhiều tháng sau khi tiếp xúc với virus.
Các bác sĩ cho biết xét nghiệm kháng thể cũng hữu ích để xác định liệu một người - đặc biệt là các y tá chăm sóc tại nhà - có kháng thể sau khi được tiêm phòng hay không. Nếu chưa có kháng thể, họ là ứng cử viên tốt tham gia thử nghiệm truyền kháng thể đơn dòng để "giả mạo" kháng thể do hệ miễn dịch tạo ra.
Ngoài ra, các xét nghiệm kháng thể cũng hữu ích với các bệnh nhân không có khả năng miễn dịch như người đang điều trị ung thư, từ đó quyết định tiêm mũi tăng cường.
Các bác sĩ khẳng định người khỏe mạnh cần tin tưởng rằng hệ miễn dịch của con người ghi nhớ được cách phản ứng trước một nguy cơ mới.
Ngay cả khi lượng kháng thể ban đầu giảm sau khi nhiễm hoặc được tiêm vắc xin, các tế bào ghi nhớ vẫn lưu giữ thông tin về cuộc tấn công ban đầu này, và khi nguy cơ xuất hiện, các tế bào sẽ sản xuất kháng thể để ứng phó.
TTO - CDC Mỹ khẳng định trẻ em vẫn có thể mắc, lây bệnh cho người khác và dù nguy cơ tử vong do COVID-19 thấp hơn nhiều so với người lớn, thì đây vẫn là căn bệnh gây tử vong cho trẻ cao hơn các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu.