Theo số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019; tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người. Trong đó, dân số nam là 47.881.061 ngƣời, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới. Sau hơn 10 năm (kể từ 2009), quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999-2009.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng để phân tích cấu trúc dân số đó là tỷ số giới tính. Năm 2019, tỷ số giới tính của Việt Nam là 99,1 nam/100 nữ. Dân số nam ít hơn dân số nữ do nam giới thường có tuổi thọ thấp hơn nữ giới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố chiến tranh trong quá khứ.
Tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ. Vùng Tây Nguyên có tỷ số giới tính cao nhất (năm 2019 là 101,7). Đông Nam Bộ là vùng có tỷ số giới tính thấp nhất (năm 2019 là 97,8). Tỷ số giới tính theo vùng, miền hoặc theo tỉnh/thành phố chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nhân khẩu học như sinh, chết, các yếu tố liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống, văn hóa và các yếu tố lịch sử khác.
Tỷ số giới tính khi sinh thông thường ở mức 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tại Việt Nam năm 2019 là 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 trẻ sơ sinh nữ và số liệu cho thấy có sự khác nhau theo vùng, cao nhất là ở khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng (115) và thấp nhất là ở Tây Nguyên (105).
Các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (trên 115) tập trung ở miền Bắc là Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và Sơn La.
Năm 2020, tỷ số giới tính của Việt Nam có thay đổi nhỏ, ở mức 99,2 nam/100 nữ. Nhìn chung, dân số nam vẫn ít hơn dân số nữ. Tây Nguyên tiếp tục là vùng có tỷ số giới tính cao nhất, ở mức 102,24 nam/100 nữ. Đáng chú ý, Đông Nam Bộ không còn là vùng có số giới tính thấp nhất, thay vào đó là đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 97,31 nam/100 nữ.
Hàng triệu phụ nữ cao tuổi nhiều khả năng dễ rơi vào tình trạng sống một mình
Liên quan đến tuổi thọ trung bình, năm 2019, con số này tăng lên 73,6 tuổi. Trong đó, nam giới là 71 tuổi, thấp hơn của nữ giới là 76,3 tuổi. Thực tế ở Việt Nam và ở đa số các nƣớc, mức tử vong của nam thường cao hơn mức tử vong của nữ ở tất cả các độ tuổi.
Nguồn: TCTK, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
Do vậy, tuổi thọ trung bình của nam thường thấp hơn của nữ. Báo cáo nhận định, hàng triệu phụ nữ cao tuổi nhiều khả năng dễ rơi vào tình trạng sống một mình, nên các chương trình bảo trợ xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe công và tư cần phải được tăng cường.
25 là độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 25,2 tuổi, tăng 0,7 tuổi so với năm 2009. Trong đó, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi). Cả nam và nữ ở khu vực thành thị có xu hướng kết hôn muộn hơn nam và nữ ở khu vực nông thôn.
Nguồn: TCTK, Điều tra biến động dân số và KHHGĐ năm 2020
Sang năm 2020, tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng nhẹ ở mức 25,7 tuổi. Trong đó, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,5 tuổi (tương ứng là 27,9 tuổi và 23,4 tuổi). Cả nam và nữ ở khu vực thành thị tiếp tục có xu hướng kết hôn muộn hơn nam và nữ ở khu vực nông thôn.
Việt Nam học được gì từ luật 'U-turn Act' của Hàn Quốc: Chỉ 6 năm có thể kéo loạt 'ông lớn' các ngành điện tử, ô tô, trang sức... về nước
Hà Trần
Doanh nghiệp tiếp thị