5 năm qua, Khương luôn mua hoa tặng người yêu trong dịp 20-10 - Ảnh: HÀ THANH
"Thấy mọi người được tặng hoa, mình cũng mua về tặng cho em vui, động viên em cho đỡ buồn, đỡ tủi thân. Có năm mình lựa hoa hồng, có năm được chị chủ cửa hàng tặng cho một bó không lấy tiền và dặn dò mang về tặng người yêu".
Mỗi năm, hễ đến ngày lễ 20-10, anh Lê Văn Khương (33 tuổi, bệnh nhân "xóm chạy thận" Ngọc Hồi, Hà Nội) luôn mang về những bông hoa đẹp nhất dành tặng người yêu.
"Ngày 20-10, chúc em chịu khó ăn cơm nhiều vào cho khỏe" - Khương trìu mến thủ thỉ với Liên.
Cô liến thoắng: "Em lười ăn, mỗi bữa em chỉ ăn lưng bát, lúc nào ngon miệng thì ăn hơn một bát".
Dường như anh chẳng chịu bỏ cuộc: "Mỗi hôm ăn thêm một nửa bát vào, ăn thêm cho nó quen đi. Mọi người chạy tăng cân, mình đây chạy toàn sụt cân".
Những lời dặn dò tưởng chừng như giản đơn, nhưng mỗi ngày như tiếp thêm sức mạnh cho Liên chiến đấu với bệnh tật.
Câu chuyện tình của Khương và Liên như mầm xanh gieo vào trái tim mỗi bệnh nhân niềm tin về tình yêu thương vượt thắng bệnh tật - Video: HÀ THANH
Yêu nhau vẫn gọi nhầm bằng... chú
Tròn 22 tuổi, Nguyễn Thị Liên (người yêu anh) đã có 6 năm chạy thận, còn anh cũng ngót nghét hơn 10 năm.
Mới đầu mẹ bảo Khương thường hay cáu gắt với mọi người, có lẽ nỗi đau về bệnh tật khiến tính anh trở nên lầm lì, ít nói. Nhưng từ ngày Liên đến xóm này, Khương đâm ra vui hẳn.
"Liên thật thà, thẳng thắn, mà mình biết tính đó lại hay mất lòng mọi người, nhưng em tốt bụng thì thấy thích rồi. Mình bị huyết áp cao, hồi đầu Liên thường lấy máy đo huyết áp cho, mình không mua được thuốc thì em mua. Dần dần, quen nhau lúc nào không hay", Khương thật thà.
Hơn 10 năm có "kinh nghiệm" trong việc chạy thận, Khương càng thấu hiểu và quan tâm, chăm sóc người yêu nhiều hơn - Ảnh: HÀ THANH
Bên cạnh người yêu, Liên không ngớt pha trò, mân mê những u cục nơi cánh tay hai người mà cô gọi là "tín hiệu đặc trưng" của bệnh nhân chạy thận.
"Mới đầu đến em vẫn gọi chú, yêu nhau vẫn mấy lần gọi nhầm bằng… chú, sửa mãi mới được", cô thiếu nữ bẽn lẽn.
16 tuổi, Liên đến xóm chạy thận, nỗi buồn đeo đẳng khi các bạn cùng trang lứa được cắp sách đến trường, còn cô phải gác lại việc học hành để lên đây chạy thận cùng mẹ.
"Nhưng rồi ở đây quen dần, quen với các ông, các bác, các cô. Những người chạy thận ở đây đều đồng cảnh với mình, đến lúc bệnh tật mệt mỏi, có triệu chứng gì đó thì mọi người cùng chia sẻ", Liên giãi bày.
Riêng "chú Khương" lớn hơn cô hẳn một giáp lại quan tâm Liên đặc biệt hơn cả. Thấy hai người chưa yêu ai, lại chăm chỉ, ngoan ngoãn nên mọi người ở xóm thận vun vào, bảo thôi thì yêu nhau cũng được. Dần dần, Liên cảm mến rồi đem lòng yêu Khương.
Liên trẻ con, Khương chín chắn. Cô tinh nghịch bông đùa, còn anh luôn giữ gương mặt điềm đạm. Hai thái cực tưởng chừng như đối lập lại là mảnh ghép nương vào nhau vượt qua cô đơn, khó khăn của bệnh tật.
Nơi xóm thận nghèo, cả hai nương tựa vào nhau vượt qua bệnh tật - Ảnh: HÀ THANH
Yêu nhau rồi, Khương thường chạy đi chạy lại giữa hai căn phòng chăm sóc người yêu. Cả hai mẹ con Liên cùng chạy thận, riêng người mẹ còn phải thường xuyên đi đi về về để chăm lo cho em trai Liên đang tuổi ăn học.
Sợ Liên vất vả, mỗi lần đi chạy thận về là anh đều nấu sẵn cơm nước, sang dọn dẹp phòng ốc cho người yêu. Những ngày mùa đông, Liên đi may về mệt là đã có nồi nước nóng của người yêu nấu sẵn để cô tắm giặt.
"Anh Khương ngoan, sạch sẽ, chịu khó, anh gọn gàng lắm. Ở với anh, anh dạy cho em tính gọn gàng, ngăn nắp, đặc biệt là học anh ở tính tiết kiệm. Hình như chúng em bù trừ cho nhau", Liên mỉm cười.
Vui với nhau hôm nay
"Anh Khương từng mong ước về một mái nhà chưa?", tôi hỏi.
Anh ngập ngừng nhìn những nốt u cục chằng chịt nơi cánh tay: "Mong ước đấy khó lắm. Bệnh này chẳng biết thế nào, ở được với nhau đến lúc nào thì ở. Không biết Liên thế nào, nhưng chỉ cần Liên đi về quê mấy ngày mà không nhìn thấy là mình thấy nhớ rồi".
Liên chưa từng yêu ai, Khương là mối tình đầu của cô. Là phụ nữ, cô cũng từng ước mong về một mái nhà, nhưng nay Liên lắc đầu nói chỉ 50/50, nửa muốn cưới nửa không.
Khương đi đánh giày, Liên đi may. Đợt dịch COVID-19, cả hai không đi làm được. Nay ở xóm đã bắt đầu gieo rau mầm để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: HÀ THANH
"Em sợ xa nhau", Liên ngập ngừng. Đôi mắt của cô gái chẳng giấu được nỗi lo lắng thường nhật khi nhắc đến câu chuyện của chị Hương vừa mới mất cách đây không lâu. Ở xóm, chị được coi là người khỏe mạnh nhất, nhưng bệnh này chẳng ai nói trước điều gì.
"Giờ chỉ mong cả hai cứ sống khỏe mạnh với nhau, quan tâm, chăm sóc nhau, sống ngày nào vui ngày đấy", cô ước mong.
Còn Khương thường kể cho người yêu nghe đôi ba câu chuyện về những đôi tình nhân vượt thắng bệnh tật. Điều anh ước mong là cả hai yêu thương nhau như những ngày đầu tiên, yêu nhau có "xô bát xô đũa" cũng là chuyện thường nhưng cãi nhau lúc đó rồi thôi, phải biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau đến cuối đời.
Chuyện tình giản dị lắm, mỗi ngày họ chỉ cầu mong tỉnh giấc vẫn còn nhìn thấy người yêu khỏe mạnh, vui vẻ bên nhau - Ảnh: HÀ THANH
Ở xóm chạy thận Ngọc Hồi, chuyện tình của Khương và Liên mang đến niềm tin yêu, hy vọng, tựa "mầm xanh" yêu thương sưởi ấm trái tim bệnh nhân trong những tháng ngày chiến đấu với bệnh tật.
"Sinh con gái đầu lòng, mẹ nghĩ dù nhà có khó khăn thế nào cũng cố gắng cho con đi học, nhưng chẳng may con bị bệnh không thể đi học được nữa. Nay con gặp được người con yêu, mẹ cũng dặn dò các con cái cốt là thương yêu, chăm sóc nhau, biết giữ gìn sức khỏe cho nhau", bà Trương Thị Lê, mẹ của Liên, rưng rưng.
"Tất cả là nhân duyên, kể cả ta gặp nhau ở đây cũng thế, gặp nhau như thế này là cái duyên, ở xóm ai cũng ủng hộ", ông Phạm Văn Hồng, trưởng xóm thận, bộc bạch.
TTO - Bỏ công việc kỹ sư tại Úc, Neil lựa chọn đến bên Nguyễn Thị Vân - người phụ nữ Việt Nam mà anh yêu. Mỗi sớm mai thức giấc, Neil thủ thỉ bên tai Vân: “Hôm nay anh vẫn đang yêu em”. Vân là một phụ nữ khuyết tật, giám đốc Trung tâm Nghị lực sống.
Xem thêm: mth.85694608002011202-naht-yahc-mox-iag-oc-iov-iart-gnahc-auc-uey-hnit-cahk-hnaohk-gnuhn/nv.ertiout