Đoàn y bác sĩ tỉnh Hải Dương tham quan Bảo tàng Áo dài - Ảnh: Fanpage Bảo tàng Áo dài
Tiến sĩ Lê Hồng Phước - phó trưởng khoa ngữ văn Pháp, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết anh sáng tác bài vọng cổ Ranh giới trong tích tắc sau khi xem xong phim tài liệu cùng tên.
"Điểm đặc biệt của phim này là không có lời bình, chỉ có lời của nhân vật trong phim là các y bác sĩ, bệnh nhân. Chính vì thế có một số chỗ tôi cố tình đưa nguyên văn lời tâm sự của các bác sĩ vào bài vọng cổ mà không trau chuốt lại. Dù biết rằng khi đưa nguyên lời sẽ khó ca do không suông câu, đánh đàn cũng khó nhưng tôi vẫn tìm mọi cách đưa vào", Lê Hồng Phước nói với Tuổi Trẻ Online.
Đặc biệt, tiến sĩ Phước được dịp gặp gỡ, giao lưu với đoàn y bác sĩ tình nguyện của tỉnh Hưng Yên và Lai Châu (Bệnh viện dã chiến số 16, quận 7, TP.HCM) gần 30 người khi tham quan Bảo tàng Áo dài (TP Thủ Đức, TP.HCM) trước khi về quê.
Dịp này, anh đã giới thiệu đờn ca tài tử Nam Bộ đến đoàn và hát tặng bài vọng cổ Ranh giới.
Tiến sĩ Lê Hồng Phước ca vọng cổ "Ranh giới" - Nguồn: YouTube Trung Hậu Nguyễn
Tiến sĩ Phước cho biết: "Có lẽ đúng tâm trạng của các y bác sĩ, khi ca bài Ranh giới, tôi thấy họ sụt sùi khóc. Tôi cố kìm cảm xúc của mình để ca trọn vẹn. Sau đó, các y bác sĩ gửi lời cảm ơn vì tôi sáng tác ca khúc ý nghĩa, lúc này tôi lại khóc".
Bài vọng cổ có đoạn: "Có những khi nước mắt lăn dài. Bởi vì lực bất tòng tâm, không cứu được bệnh nhân. Những lương y thất thần nhìn nhau nghèn nghẹn: 'Không cứu được đau lòng lắm. Khi thấy một bệnh nhân bị vậy, nó đau từ trong tim. Tất cả bao nhiêu con người mà cũng không cứu được'...
Xin cúi đầu kính phục những anh hùng áo trắng đã cứu bao sinh mạng và làm cho bao người chợt nhớ ra: 'Ranh giới cái sống và cái chết thật quá mong manh, khiến mọi người cần sống tử tế và mạnh mẽ hơn'".
Bà Huỳnh Ngọc Vân (giữa) giới thiệu đến các y bác sĩ về bảo tàng - Ảnh: Facebook Nguyen Hong Oanh
Bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài - có ý tưởng và bàn với tiến sĩ Phước quay video lại bài vọng cổ Ranh giới để gửi tặng các nữ y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương và các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch như lời tri ân nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10. Hành động này nhận được phản hồi tích cực.
Ngoài tiếp đoàn y bác sĩ tình nguyện tỉnh Hưng Yên, Lai Châu, mới đây Bảo tàng Áo dài đón đoàn bác sĩ tình nguyện tỉnh Hải Dương (Bệnh viện dã chiến số 16) 30 người trước khi đoàn này về quê.
Các y bác sĩ đã có một buổi tham quan ấn tượng khi cùng mặc áo dài chụp hình lưu niệm, được thưởng thức những món ăn đặc trưng của miền Nam, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật ví dặm. Đặc biệt, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh đã sáng tác và tặng bài thơ Mai người về phương ấy.
Nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh đọc bài thơ "Mai người về phương ấy" tặng y bác sĩ - Ảnh: Fanpage Bảo tàng Áo dài
"Xúc động trước tấm lòng của các y bác sĩ mọi miền đất nước về hỗ trợ TP.HCM chống dịch, bày tỏ lòng biết ơn với họ nên tôi sáng tác bài thơ này trong một đêm. Tôi được trực tiếp giao lưu với các y bác sĩ, rất xúc động, không cầm được nước mắt", nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Bảo tàng Áo dài (phường Long Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã mở cửa phục vụ du khách từ 8h30 đến 17h30 các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 14-10, tuân thủ theo các nguyên tắc đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, du khách tham quan bảo tàng phải tiêm đủ 2 mũi (có thẻ xanh); xịt khử khuẩn trước khi vào tham quan; khách tham quan đi thành từng nhóm nhỏ dưới 10 người...
TTO - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động bảo tàng dường như bị đóng băng. Tuy nhiên, một số ít bảo tàng đã chuyển sang hoạt động trên website, fanpage và kênh YouTube.