Từ ngày 20/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phối hợp với Tập đoàn Maersk - Đan Mạch tổ chức chạy tàu container xuất phát từ ga Yên Viên (Việt Nam) kết nối với thành phố Liege (Bỉ). Sau đó tiếp, hàng hoá sẽ chuyển sang đường bộ đi đến điểm đích là thành phố Rotterdam (Hà Lan).
Đoàn tàu chở theo 23 container loại 40 feet (chiều dài 12 m) chứa các loại hàng điện tử, dệt may, da giày, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây... Giá trị hàng hoá mỗi chuyến lên tới vài triệu đô la Mỹ. Trước khi khởi hành, các container sẽ được xe đầu kéo chở đến ga Đông Anh để bốc xếp.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Ratraco - doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng liên vận đường sắt cho biết trước đây, Việt Nam Trung Quốc hợp tác với nhau trong vận chuyển liên vận. Toàn bộ thiết bị vận chuyển và vỏ container là của phía Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2020, đường sắt Trung Quốc đã ngừng cung cấp vỏ container cho đường sắt Việt Nam để đóng hàng đi châu Âu. Sau đó, hãng tàu biển Đan Mạch Maersk Lines ngỏ ý hợp tác. Đường sắt Việt Nam đã đồng ý vì Maersk Lines sẽ cung cấp vỏ container để đóng hàng và hỗ trợ các điều kiện hậu cần khác.
Đoàn tàu container chạy từ Việt Nam đến châu Âu sẽ xuất phát ở ga Yên Viên, điểm bắt đầu có đường sắt khổ 1,435m (các đoạn khác chỉ có đường sắt khổ 1m). Đoạn Yên Viên - Đồng Đăng, tàu sẽ do đầu máy Việt Nam kéo. Sau khi tới ga Đồng Đăng và hoàn thành thủ tục xuất khẩu, đoàn tàu sẽ đổi sang đầu máy của Trung Quốc để tiếp tục hành trình tới biên giới quốc gia tiếp theo.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh cho rằng đoàn tàu container từ Việt Nam tới châu Âu sẽ mở ra cơ hội lớn cho vận tải đường sắt; đặc biệt trong trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến vận tải container đường biển gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao.
"Khi chưa có dịch Covid-19, cước vận tải container bằng đường sắt đi châu Âu cao hơn đường biển, nhưng thời điểm này đã gần như tương đương nhau. Hiện, 1 container 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu khoảng 13.000 USD, nhưng đi đường sắt không mất thêm các chi phí bốc xếp, kho bãi... như đường biển", ông Thanh cho biết thêm.
Sau khi dịch bệnh kết thúc, vận tải hàng hóa bằng đường biển trở lại hoạt động bình thường thì đường sắt vẫn nắm giữa 2 ưu thế lớn. Một là khả năng đi sâu vào lục địa giúp đường sắt có thể gom hàng giúp các hãng tàu biển, khiến các tàu biển giảm việc phải đi nhiều cảng để lấy hàng.
Hai là thời gian tàu container chạy từ Việt Nam đến châu Âu chỉ khoảng 25 ngày, ngắn hơn khoảng 10 ngày so với đi bằng đường biển. Đường sắt cũng ổn định, ít gặp rủi ro hơn.
Trong bối cảnh vận tải hành khách gặp khó vì dịch thì sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế đường sắt từ đầu năm đến nay tăng vọt. Hàng liên vận xuất - nhập nói chung qua cửa khẩu ga Đồng Đăng, ga Lào Cai tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2020. Riêng hàng xuất đi Nga và châu Âu, 8 tháng đã bằng 96% so với cả năm 2020.
Việt Hùng
Tổ Quốc