Vào những ngày cuối tháng 10-2021, giá xăng trong nước đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng bảy năm qua. Nhưng không chỉ giá xăng tăng mạnh mà hàng loạt nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất cũng tăng cao, có loại tăng đến 50% so với trước đây.
Khi giá nguyên liệu, hàng hóa tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) hưởng lợi nhưng ở chiều ngược lại, không ít đơn vị gặp khó khăn, đặc biệt là nguy cơ gây lạm phát.
Những công ty nào được hưởng lợi?
Giá xăng Việt Nam tăng do giá dầu thế giới liên tục leo thang trong thời gian qua. Đơn cử giá dầu trong vòng một tháng trở lại đây đã vọt lên mức trên 80 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2014.
Đáng chú ý, bất chấp giá dầu tăng mạnh, OPEC +, bao gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và Nga, không tăng sản lượng khiến nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng mạnh ở các nước đang mở cửa trở lại hậu dịch bệnh. Do đó, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể nhảy lên mức 90-100 USD trong thời gian tới, đẩy giá xăng thành phẩm tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, khi giá xăng dầu tăng tốc nhanh đã giúp nhiều công ty lãi lớn. Đơn cử khi giá xăng dầu tăng cao, những lời than phiền về lỗ nặng như trong năm 2020 của ông lớn xăng dầu hàng đầu Việt Nam là Petrolimex ngay lập tức biến mất. Lũy kế sáu tháng đầu năm nay, tập đoàn này lãi hơn 2.300 tỉ đồng. Tương tự, Tổng công ty Khí Việt Nam báo lãi ròng 6.709 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm nay, tăng 9% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ tác động gián tiếp làm tăng giá nguyên vật liệu, từ đó giúp giá cao su liên tục tăng mạnh với mức bình quân 30% so với năm trước nên nhiều công ty trong ngành lãi lớn. Chẳng hạn, ông lớn trong ngành cao su là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đạt lợi nhuận sau thuế 1.663 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc GVR, cho biết sự tăng trưởng lợi nhuận của quý II-2021 cao hơn cùng kỳ vì các công ty chủ động ứng phó phù hợp với trạng thái sản xuất bình thường mới, cộng với giá bán các sản phẩm mủ cao su và sản phẩm công nghiệp cao su tăng. Đây cũng là lý do giúp cổ phiếu của công ty tăng hơn 180% từ đầu năm đến nay.
Giá xăng dầu tăng làm ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường. Trong ảnh: Người dân đang mua hàng tại chợ Bàn Cờ, TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn nên sẽ không tránh khỏi tác động của việc giá cả nguyên vật liệu đầu vào từ thế giới tăng. Điều này đã và đang thể hiện thông qua giá của một số hàng hóa nội địa tăng lên và lạm phát có khả năng bị đẩy lên trong năm nay. Tuy nhiên, Việt Nam có một số điểm đặc thù khác với tình hình hiện tại trên thế giới. Đầu tiên, Việt Nam khó có khả năng bùng nổ tiêu dùng nội địa do dịch bệnh đang được giữ trong tầm kiểm soát. Ngay cả khi dịch bệnh được khoanh vùng và khống chế cục bộ thì khả năng người dân chi tiêu mạnh mẽ như các nước Mỹ, Anh và châu Âu là khó xảy ra. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam so với các nước trên thế giới là khá thấp cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, dẫn đến khả năng mở cửa lại các dịch vụ du lịch và hàng không với bên ngoài còn hạn chế. Ngoài ra, các gói cứu trợ an sinh xã hội của Chính phủ cho người lao động cũng chưa tạo được sức bật lớn để tạo ra một sức ép lớn lên tổng cầu dẫn đến lạm phát tăng cao. Tôi cho rằng mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đặt ra cho năm nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy vậy, Chính phủ cần quan tâm cả yếu tố giá cả và yếu tố tiền tệ. Để giảm bớt áp lực lạm phát về giá, Chính phủ có thể thông qua các quỹ bình ổn giá và kỷ luật tài khóa để hạn chế tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, lương thực. Đồng thời, duy trì lãi suất thấp và các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng giúp phục hồi sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ nên đảm bảo nguồn cung tiền được đi vào nền kinh tế thực, tránh dòng tiền rẻ lại chảy vào bất động sản, chứng khoán hay tiền kỹ thuật số. TS Chu Thanh Tuấn, ĐH RMIT Việt Nam |
Nỗi lo lạm phát
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng rất có thể nền kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng cạn kiệt về nhiều thứ và dẫn đến một chu kỳ xác lập giá hàng hóa mới cao hơn rất nhiều trước đại dịch. Chẳng hạn, trong chín tháng năm nay, giá than thế giới đã tăng mạnh 110% so với cùng kỳ và 75% so với đầu năm, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.
Công ty Chứng khoán SSI dẫn chứng với việc giá than tăng mạnh, các ngành công nghiệp ở nước ta sẽ bị ảnh hưởng chính bao gồm nhiệt điện, xi măng, luyện kim và phân bón. TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi trả lời báo chí mới đây cũng nhận định kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỉ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Vì vậy, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông. Từ đây tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế.
“Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%. Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến thu nhập lẫn chi tiêu của người dân. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế” - ông Lâm phân tích.
Đại diện nhiều DN cho rằng Chính phủ cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này, qua đó hỗ trợ việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bởi khi DN có sức cạnh tranh sẽ giúp giá hàng hóa bình ổn và kiểm soát được lạm phát.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát Ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đánh giá từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá cả thị trường có sự tăng giảm đan xen. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng cao do chịu tác động của các yếu tố cung cầu trong nước và giá thế giới. Lạm phát năm 2021 đảm bảo trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng; xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cũng cho hay bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cân nhắc, xem xét việc giảm các loại thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu. Chẳng hạn như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. |